Bộ GTVT triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022

Sáng (28/6), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, Nguyễn Duy Lâm đồng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm chính tại trụ sở Bộ GTVT còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương, các bộ, ngành, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Bộ GTVT. Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo các Sở GTVT từ các điểm cầu trực tuyến.                                                                           


Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Nguyễn Xuân Sang, Nguyễn Duy Lâm điều hành Hội nghị

 6 tháng đầu năm hoàn thành kế hoạch đề ra với nhiều kết quả nổi bật

Kết luận và chỉ đạo Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra vào sáng nay (28/6), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của cả tập thể Ngành GTVT.

“Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT đã hoàn thành kế hoạch đề ra với nhiều kết quả nổi bật. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GTVT. Cùng với đó là sự nỗ lực hết mình ngay từ những ngày đầu năm của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá.

Dù đạt nhiều kết quả nổi bật, bao gồm công tác giải ngân cao hơn mặt bằng chung cả nước, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chỉ rõ, trong các lĩnh vực công tác vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Nổi bật trong đó là tiến độ các dự án đã có những chuyển biến rõ rệt, nhưng vẫn còn một số dự án còn vướng mắc chưa được xử lý triệt để làm ảnh hưởng đến tiến độ; một số dự án còn vướng mắc về thủ tục chưa đủ điều kiện giao vốn năm 2022.

Trong 6 tháng cuối năm 2022 được đánh giá là giai đoạn khó khăn của Bộ GTVT với khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn, đặc biệt là trong công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đối với các dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A thuộc.

Cùng với đó, phải tập trung đẩy mạnh triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 để đủ điều kiện khởi công vào cuối năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GTVT đang tham mưu Chính phủ trong công tác chuẩn bị đầu tư 3 dự án quan trọng quốc gia (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư để chủ động triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu. Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ GTVT phối hợp để Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện ban hành Dự thảo hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Đồng thời tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác GPMB, nguồn cung vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2022. Phấn đấu rút ngắn thời gian thi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng yêu cầu rà soát, điều chỉnh các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn cho phù hợp với quy định hiện hành, nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới để sử dụng cho các dự án chuẩn bị triển khai, đảm bảo tiến độ và chất lượng yêu cầu.

Mặt khác, Thứ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT phải tập trung rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm đối với tồn tại đối với các dự án BOT; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả công tác thu phí tự động không dừng.

Cơ bản hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm

Báo cáo tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Trí Đức cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực không quản ngày đêm của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT, hầu hết các mặt công tác trong 6 tháng đầu năm 2022 đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trong đó, có một số kết quả nổi bật như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy hoạch tiếp tục được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công các dự án, công trình hạ tầng giao thông tiếp tục được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, tiến độ nhiều dự án, công trình quan trọng cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt được mục tiêu đề ra và cao hơn mức trung bình chung của cả nước; công tác quản lý điều hành hoạt động vận tải tiếp tục có nhiều chuyển biến đáp ứng nhu cầu vận tải của người dân, doanh nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều thay đổi tích cực, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT…”, ông Nguyễn Trí Đức thông tin.

Cũng theo Chánh Văn phòng Bộ GTVT, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như vẫn còn một số dự án còn vướng mắc về GPMB, nguồn cung vật liệu chưa được xử lý triệt; một số dự án còn vướng mắc về thủ tục chưa đủ điều kiện giao vốn; TNGT có nhiều diễn biến phức tạp, số người chết tăng, vẫn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người…

Hết tháng 6/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 17 nghìn tỷ đồng

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Vụ KHĐT) Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước tổng số 50.328 tỷ đồng; gồm: 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng vốn trong nước.

Tính đến nay, Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban QLDA tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.


Nhiều tham luận được trình bày tại  Hội trường Hội nghị cũng như từ các điểm cầu trực tuyến

Trong đó, phân bổ toàn bộ 4.877 tỷ đồng (100%) vốn nước ngoài và 40.466 (89%) vốn trong nước. Còn lại 4.985 tỷ đồng vốn trong nước chưa phân bổ kế  hoạch, Bộ GTVT dự kiến bố trí cho 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sau khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư và được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện.

Dự kiến, đến hết tháng 6/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 39,8% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng 

chính phủ giao, gồm: 1.843 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 37,8% và 15.357 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 33,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

"Dù công tác giải ngân gặp khó khăn trong quý đầu tiên, song từ tháng 3/2022 đến nay, các chủ đầu tư/ban QLDA cùng các cơ quan, đơn vị ngành Giao thông đã nỗ lực, đưa kết quả giải ngân luôn cao hơn mức giải ngân trung bình của cả nước từ 5 - 7%”, Vụ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định. Đồng thời, ông Nguyễn Danh Huy cũng cho biết thêm, để có được kết quả này, Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã chủ trì họp hàng tuần và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công; Quán triệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA tranh thủ thời tiết thuận lợi tại các địa phương, tăng ca, tăng kíp, tăng mũi thi công.

Theo lãnh đạo Vụ KHĐT, khối lượng giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2022 còn rất lớn, nhận thức được nhiệm vụ quan trọng này, Bộ GTVT đã đề ra nhiều giải pháp, có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành trong năm 2022 như: các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt cấp bách, Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến tránh Long Xuyên, dự án kết nối giao thông Tây Nguyên, Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyến tránh QL1A qua Cà Mau, Tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột...

Ông Nguyễn Danh Huy cũng lưu ý các ban QLDA cũng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện; rà soát, đề xuất nhu cầu bổ sung kế hoạch năm 2022 cho các dự án đang thực hiện từ nguồn vốn kế hoạch năm 2022 chưa phân bổ của Bộ.

Công tác quản lý vận tải được đảm bảo, ATGT giữ vững

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc khẳng định,mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tăng giá nhiên liệu đầu vào, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, xung đột vũ trang tại một số khu vực trên thế giới…đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội nhưng về tổng thể ngành GTVT tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu vận tải, phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu đi lại của người dân, doanh nghiệp, nhất là vào các dịp cao điểm như nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nghỉ Lễ 30/4, mùng 1/5 và thời điểm diễn ra Seagames 31.

Cũng theo ông Trần Bảo Ngọc, thực hiện chủ trương của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Bộ đã ban hành các hướng dẫn tạm thời về tổ chức vận tải 05 lĩnh vực; đồng thời xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp vận tải.

Ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 06 tháng đầu năm 2022 là 370,898 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng container ước đạt 12,807 triệu TEUs tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với công tác bảo đảm TTATGT, Bộ GTVT luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả rất nhiều giải pháp bảo đảm TTATGT. Trong đó, đã tham mưu kịp thời cho Chính phủ ban hành Nghị quyết về tăng cường bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025; phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm pháp luật TTATGT nhất là những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT khắc phục kịp thời các hư hỏng về KCHTGT.

Theo số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia trong 06 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 5.703 vụ TNGT, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người. So với cùng kỳ năm 2021, giảm 663 vụ (-10,41%), tăng 79 người người chết (2,44%), giảm 793 người bị thương (-17,69%).

Dự án hạ tầng giao thông đảm bảo tiến độ, chất lượng

Tại Hội nghị, báo cáo về công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, lãnh đạo các cơ quan cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, Ngành GTVT dự kiến đầu tư xây dựng 66 dự án mới (bổ sung 02 dự án nối thông đường Hồ Chí Minh mới có chủ trương bổ sung danh mục trung hạn). Hiện đã có chủ trương đầu tư 53/66 dự án, gồm: 04/04 dự án quan trọng quốc gia; 03/09 dự án nhóm A và 46/53 dự án nhóm B, C; chưa quyết định chủ trương đầu tư 13/66 dự án, gồm: 06 dự án nhóm A và 07 dự án nhóm B, C.

Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương chuyển  mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên. Bộ đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ bản 721,8/723,7km (99,7%) và bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương 672,5/723,7km (đạt 92,9%); phê duyệt khung chính sách GPMB 06/06 dự án; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường toàn bộ 12/12 dự án; đang khẩn trương thẩm định hồ sơ BCNCKT để xem xét, phê duyệt theo kế hoạch.

Để thống nhất chỉ đạo, điều hành các công trình giao thông trọng điểm, Bộ GTVT đã tham mưu thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để chỉ đạo tiến độ, chất lượng, tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án đang triển khai trong quá trình thực hiện các dự án.

Báo cáo về vấn đề này, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đã tổ chức 70 đợt kiểm tra hiện trường, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm. Bộ trưởng tổ chức họp giao ban kiểm điểm tiến độ định kỳ hàng tuần, nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án có dự án chậm tiến độ. Đến nay, các dự án đang triển khai cơ bản đáp ứng được tiến độ yêu cầu; trong đó, đã hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 06 dự án mới và hoàn thành 06 dự án kịp thời đưa vào khai thác, sử dụng.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triểm khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, các đại biểu dự Hội nghị cũng được nghe nhiều báo cáo tham luận, chuyên đề của các đồng chí lãnh đạo đại diện Tổng cục ĐBVN, các Cục quản lý chuyên ngành Hàng không, Hàng hải, các doanh nghiệp vận tải và đại diện các Sở GTVT các địa phương từ đầu cầu truyền hình trực tuyến…

Năm 2022 sẽ khởi công 38 dự án và hoàn thành 30 dự án

Đây là thông tin được Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT) Bùi Quang Thái cho biết tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ GTVT vào sáng nay (28/6).

Cụ thể, ông Bùi Quang Thái cho biết, 6 tháng đầu năm, 6 dự án đã được hoàn thành thủ tục và khởi công, và 6 dự án được hoàn thành, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Như vậy, 6 tháng cuối năm, 32 dự án sẽ phải hoàn thành các thủ tục để khởi công và 24 dự án có kế hoạch phải hoàn thành. Tính đến hết tháng 6/2022 đã hoàn chỉnh các thủ tục đủ điều kiện phê duyệt 25/32 dự án (bao gồm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam).

7 dự án còn lại chưa phê duyệt dự án đầu tư, gồm: Dự án đường tránh phía Đông TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh; Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang; Dự án QL6 tuyến tránh TP. Hòa Bình; QL.2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; Dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc.

Lý giải điều này, ông Bùi Quang Thái cho biết, nguyên nhân xuất phát từ một số yếu tố như: Biến động giá nguyên, nhiên liệu tăng đột biến, một số dự án sau khi rà soát vượt tổng mức đầu tư so với chủ trương đầu tư; Có 1 dự án địa phương xin chủ trương lồng ghép vốn (địa phương và Trung ương) cần hoàn chỉnh thủ tục báo cáo cấp có thẩm quyền; Một số chủ đầu tư đang hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư.

Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT đề nghị các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung chỉ đạo quyết liệt tư vấn thiết kế tăng cường nhân sự tiến hành khảo sát, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi; đẩy nhanh các thủ tục để phê duyệt khung chính sách GPMB, ĐTM, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng,... để trình phê duyệt dự án trong tháng 7/2022, đảm bảo được kế hoạch khởi công trong năm 2022.