Ngày 01/4/2025, tại Học viện Chiến lược, bồi dưỡng cán bộ xây dựng (ACST) diễn ra Hội thảo về Đề án Phát triển nguồn nhân lực xây dựng, vận hành đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Học viện, cán bộ chủ chốt những đơn vị trực thuộc Học viện.
Hiện nay, nhân lực đường sắt chỉ chiếm khoảng 3% tổng nhân lực của ngành giao thông vận tải và không có sự biến động lớn về quy mô cũng như trình độ suốt thời gian vừa qua do hệ thống đường sắt cơ bản ổn định trong một thời gian dài. Đề án nhân lực đường sắt nêu rõ sự cần thiết, căn cứ xây dựng Đề án, hiện trạng và quy hoạch hệ thống đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kinh nghiệm quốc tế, nhu cầu, chiến lược phát triển nhân lực ngành đường sắt Việt Nam.
Đồng chí Ngô Anh Tuấn – Ủy viên BCH Đảng ủy Bộ Xây dựng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện nhấn mạnh: Chiến lược phát triển mạnh mẽ mạng lưới đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị đòi hỏi bổ sung một nguồn nhân lực lớn
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Ngô Anh Tuấn – Ủy viên BCH Đảng ủy Bộ Xây dưng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện nhấn mạnh: Ngày 30/11/2024, Quốc Hội đã thông qua Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với Đường sắt tốc độ cao, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch nâng cấp 07 tuyến đường sắt hiện hữu và phát triển 09 tuyến đường sắt mới để hình thành mạng lưới đường sắt bao phủ và kết nối trên toàn quốc. Chiến lược phát triển mạnh mẽ mạng lưới đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị như vậy sẽ đòi hỏi bổ sung một nguồn nhân lực lớn, cả giai đoạn xây dựng và giai đoạn khai thác vận hành. Đây là hội thảo rất quan trọng, là cơ sở để Học viện triển khai công việc trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hiền – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện khẳng định: Việc chúng ta tham gia làm chủ công nghệ là vô cùng quan trọng
Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hiền – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện khẳng định: Do tính phức tạp về kỹ thuật, công nghệ cũng như quy mô đầu tư của một dự án đường sắt tốc độ cao, tất cả các quốc gia đã và đang đầu tư phát triển đường sắt tốc độ cao đều đặt quyết tâm chính trị mạnh mẽ ở cấp cao nhất từ thể chế hóa quy định pháp luật, huy động nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp với mục tiêu và tầm nhìn dài hạn hàng trăm năm. Trong đó, việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo quá trình đầu tư, vận hành, khai thác hiệu quả và từng bước đưa đường sắt tốc độ cao trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Việc chúng ta tham gia làm chủ công nghệ là vô cùng quan trọng. Nguồn nhân lực cũng cần phải là nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ. Nhân lực phải đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng để có thể vận hành trong thời gian tới. Các khóa đào tạo bồi dưỡng xây dựng cần phải thiết thực, hữu ích cho ngành.

Đồng chí Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc Học viện trao đổi về các nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng Học viện có thể triển khai trong thời gian tới theo đúng chức năng nhiệm vụ của Học viện.
Các ý kiến đưa ra tại Hội thảo xoay quanh những nội dung phát triển bền vững nguồn nhân lực ngành Xây dựng. Mục tiêu của chiến lược phát triển nguồn nhân lực đường sắt là nhằm chuẩn bị sẵn sàng nhân lực đáp ứng công tác thiết kế, thi công và quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường, đồng thời chủ động tiếp nhận, từng bước làm chủ từng phần công nghệ xây dựng, vận hành đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, qua đó tối đa hóa hiệu quả kinh tế xã hội, trực tiếp nhất là lợi ích tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trong giai đoạn thi công, hàng chục ngàn lao động trong giai đoạn vận hành và góp phần đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ xây dựng và vận hành, khai thác vận tải đường sắt. Như vậy, yêu cầu nguồn nhân lực phải không chỉ đáp ứng đủ số lượng, đúng thời điểm mà còn phải là nguồn nhân lực chất lượng cao về chuyên môn và kỹ năng.
Theo đó, phương án phát triển nguồn nhân lực đường sắt được xây dựng trên cơ sở đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực ngành đường sắt cùng hệ thống giáo dục, đào tạo của Việt Nam; học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia có đường sắt tốc độ cao trên thế giới và cụ thể phương án phát triển Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh Hội thảo
Nguồn: https://acst.edu.vn/