Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ cùng các địa phương sớm tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Sáng 7/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn tại hội trường.
Mở đầu cuộc chất vấn, các vấn đề liên quan tới giao thông tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 7/11.
Sớm tổ chức xúc tiến đầu tư kết cấu hạ tầng GTVT
Phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về thu hút đầu tư tư nhân trong các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) bày tỏ không đồng tình với ý kiến cho rằng, chỉ cần nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP là sẽ thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.
Theo đại biểu, nếu quá tập trung vào việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Một trong những việc Nhà nước cần làm là đảm bảo thực hiện đúng những cam kết của mình trong các dự án PPP.
Các nghĩa vụ này được thực hiện thông qua việc Nhà nước sẽ mua lại dự án trong trường hợp do lỗi của Nhà nước, bảo đảm cam kết cân đối vốn, chia sẻ khi giảm doanh thu. Các vấn đề này đã được quy định tại Luật PPP, và chỉ khi Nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết của mình thì mới thu hút được đầu tư tư nhân.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang)
Trả lời, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Sau khi ban hành Luật PPP, chúng ta chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án giao thông, kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng này. Bộ trưởng GTVT dẫn chứng, hiện nay chúng ta có tổng số 5,2 triệu ô tô, nhưng hơn 50% số lượng ô tô lại ở Hà Nội và TP.HCM phân bổ không đều. Do đó, việc thu hút PPP vào các dự án giao thông trên các tỉnh thành khác khó khăn hơn.
Trong giai đoạn 2016, chúng ta có 70 dự án PPP nhưng nhiều dự án có những vướng mắc chưa thể tháo gỡ, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp. Nhiều dự án PPP đến thời điểm được tăng phí theo hợp đồng nhưng chưa được tăng phí vì liên quan tới điều hành giá, điều hành chỉ số CPI của chúng ta, nên phải đàm phán lại.
Khi dự án PPP khó khăn về hoàn vốn, thì ảnh hưởng tới ngân hàng. Nếu ngân hàng nhìn thấy rủi ro thì rất khó để khuyến khích họ cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp.
Đồng tình với đại biểu về nhìn nhận việc tăng tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP không phải là yếu tố quyết định để thu hút các nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ đang phối hợp với bộ ngành tham mưu với Chính phủ, Quốc hội để tháo gỡ vướng mắc này.
"Chúng ta phải chủ động thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ GTVT đã chuẩn bị các điều kiện, sắp tới sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức sớm hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Một giải pháp khác, theo Bộ trưởng, là tiếp tục đẩy mạnh nhượng quyền thu phí qua hình thức đấu giá quyền thu phí. Thực tế, có nhiều dự án có khả năng đấu giá quyền thu phí để doanh nghiệp tham gia vào đoạn sau và Nhà nước rút vốn ra đầu tư vào dự án khác.
Toàn cảnh phiên chất vấn sáng 7/11.
Nâng cao trách nhiệm khảo sát thiết kế
Trả lời tranh luận của đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) về trách nhiệm của Bộ GTVT khi dự án giao thông phải điều chỉnh, tăng tổng mức đầu tư, "chuẩn bị dự án vài tháng, một đến hai năm nhưng giải ngân có khi vài kỳ trung hạn", Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đồng ý với đại biểu rằng trong những năm vừa qua, có nhiều dự án phải tăng tổng mức đầu tư.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai).
Khi có Luật Đầu tư công, tình trạng này được giải quyết tương đối triệt để. Các dự án phải thay đổi tổng mức đầu tư chủ yếu là do thay đổi giá đền bù giải phóng mặt bằng và công tác khảo sát còn chưa sát thực tế.
Trong quá trình tư vấn thiết kế đi khảo sát, cũng không chính xác, nhất là những nơi có địa chất yếu. Nếu không khảo sát thận trọng thì sẽ dẫn đến sai khác trong quá trình thi công.
Bộ GTVT đã nhìn thấy vấn đề này và đã tham mưu Chính phủ ban hành chỉ thị yêu cầu các đơn vị nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ chất lượng công việc trong công tác tư vấn đầu tư xây dựng công trình, tập trung vào một số nội dung.
Trong đó, đơn vị tư vấn phải nâng cao chất lượng công tác khảo sát thiết kế, đặc biệt là khảo sát địa chất mỏ, mỏ vật liệu, bãi đổ thải. Phải điều tra làm rõ diện tích loại đất, thoả thuận với địa phương về đơn giá kinh phí giải phóng mặt bằng để đảm bảo không làm tăng tổng mức đầu tư.
Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra quản lý chặt chẽ tổng chi phí định mức xây dựng, suất đầu tư, năng lực của đơn vị khảo sát thiết kế.
"Thời gian qua chúng tôi làm rất chặt nên công tác điều tra khảo sát đã được nâng lên một bước. Các địa phương phải thường xuyên theo dõi bám sát thị trường, công bố giá vật liệu xây dựng cũng như chỉ số giá để đảm bảo đầy đủ phù họp với tình hình thực tế", Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin.
Nghiên cứu ban đầu, cát biển đáp ứng tiêu chuẩn đắp nền đường
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) đặt câu hỏi: Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ GTVT đang nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng GTVT cho biết kết quả thí điểm và việc sử dụng cát biển để thay thế cát sông trong giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn nguyên liệu cho các dự án đường cao tốc Bắc Nam có khả thi hay không?
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long).
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tháng 3/2023, Thủ tướng đã giao cho Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu đánh giá thí điểm cát biển làm vật liệu xây dựng hạ tầng giao thông.
Sau thời điểm đó, Bộ GTVT đã thành lập tổ triển khai thực hiện bao gồm có Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học.
Sau khi tổ chức nghiên cứu, hội nghị, hội thảo, đặc biệt thực hiện thí điểm cát biển ở trên các công trình giao thông ở ĐBSCL, đến nay, kết quả nghiên cứu cho thấy, qua 5 lần quan trắc, qua nhiều cuộc họp đánh giá chất lượng cát biển đang thí điểm thì đạt yêu cầu vật liệu đắp nền, các chỉ tiêu về sức chịu tải, độ ổn định của công trình đáp ứng yêu cầu.
Hiện nay chưa có biểu hiện ảnh hưởng đến môi trường như cây trồng, vật nuôi xung quanh.
Đây là kết quả đáng phấn khởi, hiện nay theo yêu cầu của các chuyên gia, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường mở rộng mẫu thí nghiệm cát biển ra các vùng biển khác nhau như Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, để nghiên cứu toàn diện hơn.
Dự kiến, trong tháng 12 tới thì hội đồng đánh giá cấp bộ sẽ họp và đánh giá tổng kết thí nghiệm cát biển.
Trên cơ sở đó Bộ GTVT phối hợp với các bộ ngành để triển khai xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, cũng như các thủ tục để mở rộng diện tích thí điểm đối với một số dự án đường cao tốc, cũng như cho phép cát biển làm vật liệu san lấp.
Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng cát biển vẫn phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc khai thác bền vững không ảnh hưởng đến môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm làm rõ chất lượng, tiềm năng cát biển, khả năng khai thác của các vùng miền.
14 dự án BOT bị ảnh hưởng, đề xuất thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư
Trả lời câu hỏi thứ hai của đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang về tình hình các dự án BOT trên Quốc lộ 1A bị ảnh hưởng khi các tuyến cao tốc đi vào khai thác, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT đã rất chủ động đánh giá, nhận diện vấn đề này ngay từ khi triển khai giai đoạn 2 đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Qua theo dõi, khi khánh thành các dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu có một số dự án BOT bị ảnh hưởng rất lớn. Tại Đồng Nai, một dự án BOT sụt giảm tới 86,2% doanh thu, một dự án ở Phan Thiết giảm 77%.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 7/11.
Đây là điều dễ hiểu là khi có đường cao tốc mới, đi nhanh, thuận tiện, không ùn tắc, không mất phí thì đương nhiên các phương tiện sẽ lựa chọn.
Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã nhận diện, đang trình Chính phủ, sắp tới trình Quốc hội để ban hành chính sách thu phí trên đường cao tốc Nhà nước đầu tư để bảo đảm hài hòa giữa các tuyến đường, đảm bảo hiệu quả cho các dự án BOT.
Trong thời gian tới, có khoảng 14 dự án BOT bị ảnh hưởng khi cao tốc Bắc - Nam đi vào hoạt động. Bộ GTVT tiếp tục theo dõi để khi các dự án này đi vào vận hành, biết được mức độ sụt giảm, căn cứ vào hợp đồng ký kết và các quy định pháp luật để có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Quốc hội giải pháp nhằm hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Đề xuất dùng ngân sách mua lại 5 dự án BOT
Đại biểu Nguyễn Quang Huân( đoàn Bình Dương) tranh luận với Bộ trưởng GTVT về giải pháp cho 8 dự án BOT thua lỗ.
Ông cho rằng đàm phán giảm lãi suất ngân hàng hay giảm lợi nhuận của nhà đầu tư là cuộc đàm phán không cân bằng vì bản chất của ngân hàng là kinh doanh vốn, nếu giảm lợi nhuận thì họ có đứng vững được hay không. Còn doanh nghiệp khi đầu tư bỏ tiền đồng, thu tiền hào, liệu có ảnh hưởng niềm tin của họ hay không? "Chim sẻ hoang mang thì đại bàng lo lắng, nên cần rất cân nhắc giải pháp này", ông nói.
Ông Huân đề nghị dùng ngân sách Nhà nước mà Bộ GTVT được phân bổ để cơ cấu, hỗ trợ dự án phải dừng kinh doanh sớm. Nếu không hỗ trợ được một lần, một năm thì có thể chia làm nhiều năm, nhiều lần nhưng cần công bố công khai.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đối với 8 dự án BOT hiện nay, Bộ GTVT đang làm việc sát sao với nhà đầu tư, ngân hàng "trên cơ sở đàm phán" vì đây là hợp đồng ký giữa hai bên. Nguyên tắc thực hiện là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Đây là vấn đề Chính phủ, Quốc hội, Bộ GTVT đang nghiên cứu để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu hồi được vốn.
Về khả năng nhà đầu tư giảm lợi nhuận hay ngân hàng giảm lãi, theo ông, đây là điều cần thiết còn mức độ như thế nào là dựa vào đàm phán, khả năng thuyết phục giữa nhà đầu tư và ngân hàng.
"Không thể ấn định rằng nhà đầu tư không có lãi hay ngân hàng phải miễn lãi toàn bộ", ông Thắng nói và đề xuất dùng ngân sách mua lại toàn bộ 5 dự án, còn 3 dự án được hỗ trợ dưới 50% theo quy định pháp luật.
Sẽ sửa Luật PPP để hút vốn đầu tư
Tranh luận về việc tham gia vốn Nhà nước vào các dự án PPP giao thông, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) dẫn lại chia sẻ của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng về việc ở các quốc gia khác không quy định tỷ lệ vốn của Nhà nước, mà tùy theo tính chất của từng dự án. Nhưng ở Việt Nam, Bộ trưởng vẫn đưa ra con số khoảng 70% vốn Nhà nước tham gia dự án PPP là thích hợp.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng đối với các dự án PPP, cần phải căn cứ vào tính chất của từng dự án, trong từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước bao nhiêu cho phù hợp. Với các dự án ở những vùng khó khăn, vùng xa xôi cần phải phát triển ra cơ sở hạ tầng giao thông, chỉ cần thu hút 5-10-15 tỷ đồng của tư nhân vào dự án là cũng tốt rồi.
Đại biểu Lộc đề nghị sắp tới, Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PPP để phù hợp với thực tiễn hơn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, mà rất nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế đang bế tắc.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội).
Trả lời phản biện của đại biểu Lộc, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết rất đồng tình với quan điểm này.
"Như tôi đã trao đổi, theo kinh nghiệm các nước, tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP rất linh hoạt, không ấn định mà tuỳ tính chất, phương án tài chính của từng dự án để quyết định sự tham gia của Nhà nước là bao nhiêu. Mục tiêu là làm sao đảm bảo lợi ích của nhà nước mà vẫn thu hút được tư nhân tham gia.
Bộ GTVT đang nghiên cứu, đề xuất sửa Luật PPP để đảm bảo triển khai thu hút được nhà đầu tư hạ tầng GTVT", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Mong người dân cảm thông khi bị ảnh hưởng bởi việc thi công dự án giao thông
Tham gia tranh luận, đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) nêu lại ý kiến của đại biểu Hoàng Xuân Thắng về các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam đưa vào khai thác, sử dụng đã tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương.
Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, thi công cao tốc Bắc - Nam, nhiều tuyến đường dân sinh, tuyến đê bị băm nát, sụt lún, nhà cửa nhân dân bị lún nứt, kênh mương tắc nghẹt, đường ra đồng bị chia cắt… gây ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con.
Theo phản ánh, chủ đầu tư, ban quản lý dự án không xử lý được do không bố trí kinh phí hoàn đường, đền bù cho dân trong tổng mức đầu tư.
"Đề nghị Bộ trưởng GTVT quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng để chia sẻ những khó khăn của người dân, không vì mục tiêu làm đường cao tốc hoặc thiếu kinh phí mà làm khó cho người dân", đại biểu Hùng đề nghị.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa).
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc ảnh hưởng đến đường dân sinh, nhà dân trong quá trình triển khai các dự án cao tốc là không thể tránh khỏi.
Nhận thức được vấn đề này, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà đầu tư cố gắng tối đa để hạn chế ảnh hưởng đến người dân trong quá trình thi công. Tuy nhiên, rất khó khắc phục hoàn toàn.
Ngoài việc tích cực thực hiện các biện pháp, Bộ GTVT đã có thư gửi địa phương để người dân cảm thông, đặc biệt là việc vận chuyển nguyên vật liệu trên đường qua nhà dân.
"Còn về kinh phí khắc phục, hoàn trả đường dân sinh, đền bù nhà dân bị nứt, lún.., chúng tôi khẳng định là không thiếu", Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.
Trả lời phản ánh của đại biểu về hầm chui xa khu dân cư, đường đi làm đồng rất xa, Bộ trưởng cho biết các vị trí hầm chui khi thiết kế đều đã được trao đổi thống nhất với địa phương.
Nguồn: Báo Giao thông