Cần "đòn bẩy" cơ chế để chuyển đổi phương tiện xanh

Để chuyển đổi phương tiện xanh, xe điện cần có cơ chế, chính sách ưu đãi từ vay vốn, lãi suất vay..., tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư.

Chiều nay (28/10), Viện Chiến lược và phát triển GTVT đã tổ chức Hội thảo xây dựng chương trình quốc gia phát triển GTVT, hệ thống GTVT công cộng thân thiện với môi trường, trong đó có phương tiện giao thông điện.

Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng nhấn mạnh, chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực GTVT, trong đó có xe điện là vấn đề quan trọng, nhằm góp phần đến năm 2050 thực hiện được mục tiêu giảm phát thải ròng về 0.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT Phạm Hoài Chung cho rằng cơ chế, chính sách triển khai thực hiện chuyển đổi phương tiện xanh phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, từ thực tiễn

“Phải xuất phát từ nhu cầu của các doanh nghiệp để đầu tư được phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường, trong đó có xe điện; từ các yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan..., từ đó xây dựng các cơ chế chính sách thực hiện sao cho đáp ứng được thực tiễn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho cơ quan quản lý”, ông Trung nói.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung: Quá trình triển khai (giai đoạn 1) xây dựng chương trình quốc gia phát triển GTVT, hệ thống GTVT công cộng thân thiện với môi trường, trong đó có phương tiện giao thông điện; Chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang sử dụng điện - Lộ trình và giải pháp triển khai; Thực trạng chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực GTVT; Kinh nghiệm thế giới và tiềm năng phát triển phương tiện GTVT công cộng thân thiện môi trường tại Việt Nam.

Các đại biểu đến từ các doanh nghiệp xe buýt, taxi băn khoăn về tiêu chí, cách xác định năng lượng sạch, năng lượng xanh để chuyển đổi phương tiện không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đối với xe điện, việc quy hoạch hạ tầng trạm sạc không chỉ trong địa bàn một tỉnh mà còn phải ở các tỉnh lân cận vì có xe buýt liên vùng, taxi cũng di chuyển đi các tỉnh theo nhu cầu của khách. Trạm sạc cũng phải được quy chuẩn hóa... Cùng đó là vấn đề xử lý rác thải từ sử dụng xe điện (pin) thế nào để đảm bảo môi trường.

Các đại biểu cho rằng cần có cơ chế ưu đãi vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể trong đầu tư chuyển đổi phương tiện xanh, xe điện

Về lộ trình, mục tiêu chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện giao thông công cộng, nhiều đại biểu cho rằng rất khó khăn, vướng mắc chủ yếu về vốn. Cần có chính sách ưu đãi về vốn vay, về lãi suất vay, thời hạn vay với các quy định cụ thể, áp dụng được trong thực tiễn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư phương tiện xe điện.

Cùng đó là các chính sách hỗ trợ khác từ các cơ quan quản lý Nhà nước, thành phố như tăng mức hỗ trợ, kéo dài thời gian hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vận tải công cộng như xe buýt...

Ông Phạm Quang Cường, Phó giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến (Xe buýt Bảo Yến) khẳng định sẵn sàng ủng hộ và thực hiện chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, trong đó có chuyển đổi phương tiện.

"Chúng tôi luôn ủng hộ chuyển đổi phương tiện, năng lượng xanh. Tuy nhiên, với doanh nghiệp buýt như chúng tôi, sẽ cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư chuyển đổi sang xe buýt điện. Trong khi đó, hai năm Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng nặng đến vận tải. Chúng tôi gặp cú sốc lớn, cạn cả nguồn lực. Muốn chuyển đổi sang xe buýt điện sẽ phải đi vay. Vậy ưu đãi vay thế nào, có được tính chi phí lãi vay vào chi phí được hỗ trợ từ thành phố không", ông Cường băn khoăn và cho biết: Hiện nay chi phí lãi vay đối với xe sử dụng dầu diesel không được tính.

Đại diện taxi Mai Linh cho hay, vốn đầu tư cho phương tiện năng lượng xanh, xe điện cao gấp khoảng 4 lần so với phương tiện thường. Do đó, dù Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, phương tiện xanh đã đề ra lộ trình chuyển đổi. Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, phải thấy hiệu quả mới đầu tư. Vì vậy, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cụ thể, có "đòn bẩy" cơ chế, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư thì chương trình chuyển đổi mới đạt được mục tiêu đề ra theo lộ trình.

Giải đáp băn khoăn của các doanh nghiệp, các đại diện từ khối các đơn vị nghiên cứu, công nghệ và chuyên ngành môi trường cho biết, với các giải pháp công nghệ tiên tiến trên thế giới hiện nay, việc chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh, trong đó có xe điện hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, vốn đầu tư lại lớn. Do đó, bên cạnh các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận Quỹ tín dụng xanh dành cho các dự án xanh, hoặc các quỹ tín dụng, tài chính nước ngoài, các tổ chức quốc tế dành riêng cho các doanh nghiệp phát triển xanh.

Theo Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của GTVT, đã đặt ra lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, mục tiêu đến 2030, các phương tiện sử dụng 100% xăng E5, từng bước hạn chế sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hạ tầng sạc điện đã phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Đến năm 2040, dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch; hạ tầng sạc điện dần hoàn thiện trên phạm vi toàn quốc.

Đến 2050, phương tiện, máy móc, thiết bị 100% sử dụng điện, năng lượng xanh; hạ tầng sạc điện dần hoàn thiện trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Đối với vận tải hành khách công cộng đô thị, lộ trình chuyển đổi đặt ra là đến năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2030, 50% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.