TPHCM tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến chuyên gia, viện, trường, lãnh đạo Bộ GTVT, các tỉnh chỉ ra điểm nghẽn, điểm cần sửa đổi sẽ tháo gỡ được nút thắt giao thông, mở được liên kết vùng, khu vực thúc đẩy kinh tế - xã hội lớn hơn.
Sáng 20-8, Sở GTVT TPHCM tổ chức Hội thảo chuyên đề về Quy hoạch giao thông vận tải TPHCM.
Đến tham dự có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT; lãnh đạo các tỉnh Long An, Đồng Nai và nhiều chuyên gia giao thông, quy hoạch.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với lãnh đạo các tỉnh, viện, trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM quy hoạch giao thông từ năm 2013 từ đó phát triển giao thông, kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn rất lớn, không chỉ phạm vi ngành giao thông mà còn ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Không chỉ riêng TPHCM mà các khu vực và vùng đều bị ảnh hưởng. Cho nên, TPHCM tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến chuyên gia, viện, trường, lãnh đạo Bộ GTVT, các tỉnh chỉ ra điểm nghẽn, điểm cần sửa đổi sẽ tháo gỡ được nút thắt giao thông, mở được liên kết vùng, khu vực thúc đẩy kinh tế - xã hội lớn hơn.
Giao thông TPHCM không chỉ nằm riêng địa giới Thành phố mà cần kết nối với các vùng. Hiện, trong quá trình thực hiện giao thông rất cần nhiều vốn, giải phóng rất nhiều mặt bằng. Nếu chỉ dựa vào ngân sách trung ương, địa phương sẽ rất lâu. Các chuyên gia, viện, trường có thể nêu ý kiến về Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) vừa khai thác kinh tế giao thông, rộng hơn là kinh tế đất đai, có quyền lợi của nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh được tiến độ.
Hội thảo có nhiều chuyên gia, lãnh đạo của viện, trường tham gia. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, hệ thống quy hoạch liên quan lĩnh vực giao thông bao gồm: quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh. Đến nay, thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030 còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của Thành phố.
Hiện khu vực phía Nam đã hoàn thành 2/6 đường cao tốc, đang xây dựng 1 tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025. Các tuyến Quốc lộ và các tuyến đường tỉnh chưa được nâng cấp, mở rộng đủ lộ giới theo quy hoạch. Đường Vành đai 2 vẫn chưa khép kín chỉ hoàn thành 13,75 km/64,1km, các đường Vành đai 3, 4 chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Các nút giao thông xây dựng hoàn thành một số nút giao khác mức An Sương, Mỹ Thủy, Một số cầu thép…, đang triển khai đầu tư 11 nút giao khác mức.
Về diện tích, hệ thống bến bãi theo quy hoạch trên địa bàn thành phố hiện có chỉ đạt tỷ lệ khoảng 20% trong 1.146ha. Tỷ lệ quỹ đất bến bãi phục vụ cho hoạt động xe buýt, đạt khoảng 37,42% so với quy hoạch phân bổ không đồng đều ở các quận, huyện đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Các tuyến metro số 1 và 2 vẫn chưa hoàn thành. Các tuyến đường sắt đô thị khác chỉ mới đang trong quá trình nghiên cứu hoặc đang tìm nguồn vốn đầu tư. Tuyến BRT số 1 được triển khai đầu tư trong dự án Phát triển Giao thông xanh TPHCM, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Các tuyến còn lại chỉ mới đang trong quá trình nghiên cứu hoặc đang tìm nguồn vốn đầu tư. Hiện đang khai thác luồng sông Sài Gòn - Vũng Tàu có chiều dài 80,4km, luồng Soài Rạp có chiều dài 66,6km; luồng sông Đồng Tranh 1 có chiều dài 25,5km.
Ông Trần Quang Lâm chia sẻ thêm, sau khi luật PPP ban hành thì hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất đã không còn được áp dụng. Trong khi đó, loại hình BOT rất khó khăn, phương thức đầu tư ngoài ngân sách rất hạn chế. Sở đề nghị xem xét áp dụng lại loại hình BT, đa dạng hóa lại các loại hình PPP như các phương thức đầu tư đang áp dụng phổ biến trên thế giới như hình thức DBFOT (Thiết kế - Xây dựng - Tài chính, Vận hành - Chuyển giao), BOOT (Xây dựng - Sở hữu - Vận hành - Chuyển giao). Nếu TPHCM không đột phá trong cơ chế sẽ không hoàn thành được quy hoạch.
Chuyên gia Khương Văn Mười phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG
TS Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức phân tích, hiện TPHCM chưa có quy hoạch và thiết kế đô thị phù hợp với quan điểm phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng nhanh, sức chở lớn như mô hình TOD. Đặc biệt ở các khu vực ngoại ô và nông thôn, người dân hoàn toàn không có khả năng tiếp cận đường sắt đô thị. Chiến lược TOD sẽ góp phần nâng tỷ lệ dân cư có khả năng tiếp cận giao thông công cộng mức cao từ 10% lên 50%.
Hơn nữa, quy hoạch đường sắt đô thị cần điều chỉnh theo hướng kéo dài các tuyến đã quy hoạch và bổ sung các tuyến mới, bao gồm BRT để tăng cường kết nối về các khu vực ngoại ô, khu vực giáp ranh với các tỉnh thành xung quanh. Đặc biệt là mạng lưới tuyến buýt gom, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, kết nối với mạng lưới đường sắt đô thị.
Thành phố cần đề xuất cơ chế đặc thù để có thể lấy một phần lợi nhuận từ phát triển đô thị để chi trả vốn vay đầu tư xây dựng và trợ giá vận hành các tuyến vận tải hành khách công cộng lớn. Để triển khai TOD trong thực tế, Thành phố cần điều chỉnh và bổ sung công cụ, thể chế quản lý quy hoạch tích hợp phát triển đô thị và giao thông, bổ sung cơ sở pháp lý quan trọng cho phép phát triển tích hợp giữa nhà ga và khu vực xung quanh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn hoan nghênh Sở GTVT TPHCM tổ chức hội thảo để lắng nghe đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch và để cập nhật hoàn thiện của Bộ GTVT tích hợp vào quy hoạch của Thành phố. Công tác quy hoạch giao thông vận tải của TPHCM bên cạnh việc bám sát Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia, cần có những ý tưởng đột phá, sáng tạo và nâng cao chất lượng quy hoạch cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thành phố trong tương lai với tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, tình hình triển khai đầu tư theo quy hoạch chưa đáp ứng được kế hoạch, chỉ đạt 35%.
Bộ GTVT đánh giá, công tác dự báo phức tạp, số liệu thống kê thiếu, khó lường, đặc biệt trước bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp. Việc lựa chọn các tư vấn chuyên nghiệp, chất lượng, đủ tầm, đủ kinh nghiệm là vấn đề khó do hầu hết nguồn lực tư vấn trong nước và quốc tế đều đã được huy động xây dựng quy hoạch. Mấu chốt nhất là giữa quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực chưa tương xứng, TPHCM đang gặp phải tình trạng nhu cầu vận tải, nhu cầu đi lại người dân đang vượt và sẽ vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống, ùn tắc giao thông không chỉ xuất hiện trong đô thị mà trên các tuyến quốc lộ, hàng không, đường biển…
Đặc biệt, TPHCM còn thiếu các cơ chế, chính sách đột phá, huy động nguồn lực, hành lang pháp lý còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, chưa hoàn chỉnh, thiếu tính ổn định, chưa có các chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực xã hội...
Nguồn: sggp.org.vn