Có nên giao địa phương làm hạ tầng đường sắt quốc gia?

Việc giao địa phương đầu tư dự án hạ tầng đường sắt quốc gia nhằm huy động thêm nguồn lực nhưng điều quan trọng là phương án phải khả thi.

Vốn đầu tư ngân sách mới đạt 5,8% nhu cầu

UBND tỉnh Đồng Nai vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin được giao làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đây là hai dự án đã được hoạch định trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiến độ đầu tư trước năm 2030.

Hiện nay, ngân sách Nhà nước bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021 - 2025 mới được 14.025 tỷ đồng,

chiếm tỷ lệ 5,8% so với nhu cầu. Ảnh: Tạ Hải

Các tuyến này cũng đã được Thủ tướng đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025.

Ủng hộ đề xuất này của Đồng Nai, nhưng do các tuyến đường sắt trên đi qua địa phận nhiều tỉnh, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất với các địa phương để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Trước đó, tại Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Luật Đường sắt 2017, Cục Đường sắt VN cũng nêu quan điểm cần huy động các nguồn lực đầu tư đường sắt ngoài vốn ngân sách Trung ương.

Cụ thể, ngoài Bộ GTVT đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, cần thiết xem xét bổ sung thêm chủ thể là UBND cấp tỉnh được quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng để huy động các nguồn vốn hợp pháp tham gia hỗ trợ đầu tư.

Cục Đường sắt VN cho hay, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì nhu cầu vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến năm 2030 cần khoảng 240.000 tỷ đồng.

Nhưng thực tế hiện nay, ngân sách Nhà nước bố trí giai đoạn 2021 - 2025 là 14.025 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 5,8% so với nhu cầu).

Do đó để hoàn thành quy hoạch theo lộ trình, ngoài việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo Đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt” đã được Bộ GTVT phê duyệt, cần huy động các nguồn lực hợp pháp khác, trong đó có xét đến huy động nguồn lực từ các địa phương có nhu cầu phát triển đường sắt.

Tuy nhiên, việc phân cấp địa phương đầu tư chỉ nên áp dụng đối với đường sắt kết nối đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, đường sắt nối các cảng biển lớn, cảng cạn, cảng thủy nội địa, khu kinh tế, khu du lịch... với mạng lưới đường sắt quốc gia và đầu tư đường sắt kết nối nội vùng.

Quan trọng là dự án phải khả thi

Trao đổi với Báo Giao thông về đề xuất mới nhất của Đồng Nai, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho biết, dù ai là chủ thể đầu tư thì cũng phải được sự đồng ý của Bộ GTVT và Bộ GTVT phải báo cáo Thủ tướng.

Vì theo luật, Bộ GTVT là chủ thể đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, là cơ quan quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn.

“Việc kêu gọi đầu tư đối với tuyến đường sắt quốc gia qua địa bàn nhiều tỉnh, nếu để địa phương làm cơ quan thực hiện chức năng đầu tư, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ vì sẽ tăng thêm khả năng kêu gọi nguồn vốn ngoài ngân sách. Tuy nhiên, như trên đã nói, phải báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định”, ông Khôi nói.

Cục trưởng Cục Đường sắt nêu quan điểm: “Quan trọng là địa phương phải có kế hoạch thực hiện dự án khả thi thì cấp thẩm quyền mới đồng ý, vì còn phải xem cách thức tổ chức thế nào, huy động nguồn vốn ra sao...”.

Giao địa phương phải căn cứ nhiều yếu tố

Theo GS.TSKH Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam, để đầu tư thì trước tiên tuyến đường sắt phải được nêu trong Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hơn nữa, đường sắt là ngành đặc thù nên khi triển khai đầu tư phải có cơ quan chuyên ngành tham gia. Còn khi phê duyệt đầu tư, có thể giao vai trò chủ đầu tư cho một chủ thể khác ngoài Bộ GTVT, miễn là họ có đủ năng lực, trong đó các tỉnh/thành.

Tuy nhiên, theo GS. Phong, việc đầu tư đường sắt đòi hỏi vốn rất lớn vì phải đầu tư đồng bộ từ nền đường, kiến trúc tầng trên như ray, tà vẹt... đến nhà ga, thông tin tín hiệu và phương tiện đầu máy, toa xe.

Ngoài ra còn rất nhiều các yếu tố kĩ thuật khác cần năng lực, kinh nghiệm chuyên ngành. Trong khi hoàn vốn khó khăn, mất nhiều thời gian nên sức hấp dẫn của dự án đường sắt khi kêu gọi vốn đầu tư rất kém.

Do đó, địa phương phải trình được phương án cụ thể, khả thi như phương án kêu gọi vốn, kế hoạch triển khai... và phải có sự tham gia của cơ quan chuyên ngành đường sắt. Trên cơ sở đó mới xem xét giao cho địa phương hay không.

Đối với các tuyến đường sắt nhánh, GS. Phong cho rằng, nếu đường sắt trong cảng hay trong khu công nghiệp, chế xuất thì nên để doanh nghiệp tự đầu tư, căn cứ vào nhu cầu vận tải, sản xuất kinh doanh.

Còn đường sắt kết nối từ cảng, khu công nghiệp trên địa bàn địa phương với ga đường sắt quốc gia có thể giao cho địa phương đầu tư căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế địa phương.

UBND TP.HCM vừa có văn bản phản hồi đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai về việc giao địa phương này làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.

Theo UBND TP.HCM, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành nằm trong nhóm 9 tuyến đường sắt quy hoạch mới thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030. Luật Đường sắt 2017 hiện không quy định việc UBND cấp tỉnh tổ chức đầu tư các tuyến đường sắt thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025, đầu mối liên hệ đối với dự án đường sắt nhẹ nêu trên là Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT).

Về thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), Nghị định 35 của Chính phủ hướng dẫn, đối với dự án đi qua hai tỉnh trở lên, các địa phương có dự án báo cáo HĐND cấp tỉnh xem xét, đồng thuận về việc đề xuất thực hiện dự án. Căn cứ văn bản đồng thuận của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh thống nhất với bộ chuyên ngành về việc giao một địa phương làm cơ quan có thẩm quyền.

Do vậy, theo UBND TP.HCM, tỉnh Đồng Nai cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT đề xuất cấp thẩm quyền quyết định giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường sắt nhẹ đảm bảo đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định về đầu tư PPP, quy định về đường sắt và chủ trương chung của Chính phủ.

Trường hợp đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định, UBND TP.HCM thống nhất đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư PPP.

Nguồn:Baogiaothong.vn