Theo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), cần có cơ chế để liên kết khai thác và luân chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong khu vực Cái Mép - Thị Vải (gọi tắt là cơ chế cảng mở) nhằm tối ưu hóa công suất khai thác và tận dụng tối đa cầu bến của nhau, giải quyết được các hạn chế về cầu bến như hiện nay, giảm chi phí logistic cho hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua khu vực.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đề xuất hình thành một ”cảng mở”
để thực hiện vận chuyển và quản lý hàng hóa giữa các cảng hiện hữu tại khu vực Cái Mép -Thị Vải
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về phát triển tỉnh kinh tế - xã hội của tỉnh vào chiều ngày 18/12, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, xuất phát từ nhu cầu thực tế, VIMC đã đề xuất hình thành một ”cảng mở” để thực hiện vận chuyển và quản lý hàng hóa giữa các cảng hiện hữu tại khu vực Cái Mép -Thị Vải. Đây được xem là giải pháp mới, cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho khu vực cảng biển Cái Mép để các cảng tiếp tục thu hút hàng hóa thông qua, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hãng tầu và giảm chi phí logistic.
Theo đại diện VIMC, từ năm 2014 đến nay, tốc độ tăng trưởng khu bến Cái Mép ở mức cao, liên tục đón các tàu có trọng tải lớn vào khu vực làm hàng. Cảng CMIT và hệ thống cảng thuộc Tân Cảng (TCIT, TCCT, TCTT) phần lớn đã hoạt động hết công suất.
Khoảng 80-85% lượng hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển đến cảng thông qua phương tiện thủy, trong khi đó hầu hết các cảng không có bến chuyên dụng để tiếp nhận xà làn, đồng thời mỗi xà lan cũng có nhu cầu tiếp nhận hàng từ nhiều cảng. Do vậy, để giảm thiểu chi phí điều động xà lan, giảm chi phí logistic bằng cách phát huy tối đa ưu thế của vận tải thủy thì giải pháp kết nối hàng hóa giữa các cảng là cần thiết.
Thực tế nhu cầu kết nối hàng hóa giữa các tàu cập tại các bến cảng khác nhau trong khu cảng Cái Mép là rất cao. Các liên minh hãng tàu có hàng ở hầu hết các bến cảng Cái Mép dẫn đến nhu cầu chuyển hàng liên cảng trở nên thiết yếu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy ngay tại cảng biển, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là các cảng phải hỗ trợ và chi viện cho nhau trong việc tiếp nhận tàu và xếp dỡ hàng hóa ngay nếu một hoặc nhiều cảng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì thế, cần có cơ chế “cảng mở” để liên kết khai thác và luân chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong khu vực Cái Mép Thị Vải.
Theo VIMC, hạt động của “cảng mở” dựa trên hệ thống công nghệ thông tin kết nối với các cảng hiện hữu và dữ liệu của hải quan để đảm bảo kiểm soát hàng hóa trong cảng mở hoàn toàn chính xác. Hàng hóa vận chuyển trong “cảng mở” không phải mở tờ khai chuyển tiếp và niêm phong kẹp chì một lần nữa.
Đơn vị vận hành cảng mở cung cấp phương tiện vận chuyển đặc thù chạy nội bộ trong phạm vị cảng với thiết kế nhận diện riêng, thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra và giám sát hàng hóa luân chuyển trong cảng mở. Trách nhiệm của đơn vị vận hành cảng mở tương tự như một chủ cảng, đảm bảo hàng hóa nguyên container, nguyên chì từ cảng nhận đến cảng đích trong phạm vi cảng mở.
Về phương thức quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ chế “cảng mở” không làm thay đổi phương thức quản lý hàng hóa tại mỗi bến cảng, tại mỗi chi cục hải quan. Các chi cục Hải quan trong khu vực cảng mở chỉ bổ sung nghiệp vụ quản lý luân chuyển hàng hóa trong cảng mở thông qua hệ thống công nghệ thông tin và phương tiện vận chuyển đặc thù của đơn vị vận hành cảng.
Theo tính toán của VIMC, dự kiến khi “cảng mở” được thực hiện thì chi phí vận chuyển xà lan sẽ giảm khoảng 10-15%, mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 15 triệu USD.
Cùng với việc tăng cường thu hút hàng trung chuyển thông qua khu vực, giải pháp mới này sẽ tạo cơ chế để liên kết khai thác giữa các bến cảng liền kề nhằm tối ưu hóa công suất khai thác và tận dụng tối đa cầu bến của nhau, giải quyết được các hạn chế về cầu bến như hiện nay. Ước tính nếu 2 cảng liền kề (như CMIT và TCTT với điều kiện cầu bến tương đồng) liên kết, có thể khai thác thêm bến thứ 3 ở giữa và tăng thêm 50% công suất của 2 cảng khoảng 1,2 triệu TEU mỗi năm.
Khi giải pháp kết nối giữa 2 cảng CMIT và TCTT được thực hiện thành công thì mỗi năm riêng CMIT sẽ tăng doanh thu khoảng 20 triệu USD./.
Nguồn: Chinhphu.vn