Sáng nay (27/10) tại TP. Hà Nội, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) chủ trì tổ chức Hội thảo Xây dựng Chương trình quốc gia phát triển phương tiện GTVT, hệ thống GTVT công cộng thân thiện với môi trường, trong đó có phương tiện giao thông điện.
Đánh giá các khó khăn với doanh nghiệp
Một trong những nội dung nổi bật được đưa ra tại hội thảo là đánh giá các khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, chủ trương chuyển đổi năng lượng xanh, sử dụng phương tiện điện, thân thiện môi trường của Chính phủ được các doanh nghiệp ủng hộ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu, tiên phong trong việc sử dụng phương tiện điện, CNG (khí nén thiên nhiên).
Tuy nhiên, trong bối cảnh các doanh nghiệp vận tải bị tác động lớn và đang từng bước phục hồi sau dịch Covid-19 dẫn đến sụt giảm sản lượng, đoàn phương tiện không được khai thác, thói quen đi lại của người dân thay đổi... cần có thời gian để phục hồi sản xuất, kinh doanh và xây dựng lộ trình chuyển đổi từng bước, hài hòa, phù hợp với đặc thù ngành kinh doanh vận tải và tránh gây xáo trộn, lãng phí.
Một chiếc xe buýt điện di chuyển trên tuyến đường Trần Duy Hưng, TP. Hà Nội
Đối với phương tiện buýt điện, chi phí đầu tư phương tiện có giá thành rất cao (xấp xỉ khoảng 7 tỷ đồng/phương tiện) là áp lực lớn về chi phí đầu tư, chi phí lãi vay và chi phí trợ giá... Hiện chưa có đơn giá định mức cho loại hình phương tiện này, chưa có các chính sách hỗ trợ về vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư buýt điện, mới chỉ có 1 doanh nghiệp đầu tư xe buýt điện hoạt động tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trên đảo Phú Quốc.
Đối với phương tiện buýt CNG, dù đã có bộ định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá cho buýt CNG nhưng mới ở mức đảm bảo tối thiểu cho quá trình hoạt động, còn một số hạng mục chưa được đưa vào đơn giá; chính sách hỗ trợ 50% lãi vay vốn ngân hàng để đầu tư mua sắm phương tiện còn một số vướng mắc trong thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư phương tiện theo Thông tư số 02/2016 của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó là những khó khăn về quỹ đất để xây dựng bãi đỗ, depot, trạm nạp khí và nguồn cung khí CNG... nên buýt CNG cũng mới chỉ hoạt động tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Đối với các phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định, có đặc thù cự ly vận chuyển xa kết nối từ trung tâm các huyện thị, các tỉnh, thành phố..., nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải nhỏ, lẻ thì việc đầu tư chuyển đổi đoàn phương tiện thân thiện với môi trường được đánh giá là rất khó khăn nếu không có các ưu đãi, hỗ trợ về vốn vay, đầu tư hạ tầng (trạm sạc/trạm tiếp nhiên liệu, trạm biến áp...) cho các doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp taxi, khó khăn chủ yếu đến từ nguồn vốn đầu tư phương tiện. Bên cạnh đó, đặc thù dịch vụ vận tải taxi có phạm vi hoạt động rộng, cả trong và ngoài đô thị. Vì vậy, cần phải có thời gian kiểm chứng về mức độ an toàn và điều kiện vận hành trong các địa hình đồi núi, phức tạp của phương tiện điện.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khởi đầu một xu hướng phát triển vận tải công cộng hiện đại của các đô thị lớn
Đối với hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, khó khăn trong bố trí vốn và tiến độ đầu tư xây dựng dẫn đến các dự án triển khai chậm so với quy hoạch, chưa hình thành được mạng lưới liên hoàn, thông suốt để phát huy tối đa năng lực vận tải của đường sắt đô thị.
Tại hội thảo, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, đơn vị đề xuất 4 nhóm giải pháp, cơ chế chính sách phát triển phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường.
Cụ thể: Nhóm giải pháp về rà soát, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan khuyến khích phát triển giao thông công cộng thân thiện với môi trường; Nhóm giải pháp về phát triển phương tiện giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường; Nhóm giải pháp về phát triển hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường; Nhóm giải pháp về phát triển giao thông phi cơ giới.
Một số hình ảnh thảo luận tại hội thảo
Việc chuyển đổi cần tránh gây xáo trộn
Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, trong quá trình triển khai làm việc, khảo sát và xây dựng các nội dung của chương trình vừa qua, đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến phát triển phương tiện GTVT thân thiện môi trường, đề xuất các chính sách cũng như các chương trình hỗ trợ đa dạng. Đây là nguồn tài liệu, dữ liệu phong phú có thể tham khảo trong quá trình xây dựng Chương trình quốc gia.
Cùng với đó, việc chuyển đổi phương tiện GTVT thân thiện môi trường mới chủ yếu diễn ra tại một vài đô thị lớn (tập trung chủ yếu tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) với hệ thống xe buýt CNG thời gian vừa qua và gần đây là hệ thống xe buýt điện, taxi điện...
Mặt khác, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai lộ trình cụ thể để thực hiện Quyết định 876/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn, nguồn cung cấp phương tiện.
Hệ thống hạ tầng phục vụ công tác chuyển đổi sang phương tiện thân thiện môi trường chủ yếu do doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, triển khai (trạm nạp khí CNG, trạm sạc điện), chưa có các chính sách hỗ trợ cụ thể từ chính quyền các địa phương.
Việc quan tâm đến quá trình chuyển đổi chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn (đặc biệt tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), tại các địa phương khác sự quan tâm vẫn còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải vừa và nhỏ còn chưa có lộ trình rõ ràng với mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của Chính phủ và Bộ GTVT.
Mặt khác, việc xây dựng lộ trình phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở hạ tầng, nguồn cung cấp năng lượng, ưu tiên thực hiện tại các tỉnh thành phố lớn, các đô thị trung tâm trước. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cần thực hiện theo lộ trình từng bước, từng giai đoạn, cân đối nguồn lực thực hiện bảo đảm tính hiệu quả, tránh lãng phí, xáo trộn hoạt động vận tải và nhu cầu đi lại của người dân.
Một số hình ảnh tham luận tại hội thảo
Bên cạnh đó, hội thảo cũng tập trung nhiều nội dung quan trọng, như: Định hướng chuyển đổi sang phương tiện giao thông công cộng sử dụng điện tại TP. Hà Nội; Những vấn đề tồn tại trong phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt hướng đến giao thông xanh thành phố Cần Thơ; Xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chuyển đổi sang ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh tại Việt Nam…
Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT khẳng định, các ý kiến thảo luận, trao đổi, tọa đàm tại hội thảo kỹ thuật là cơ sở cho nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện nội dung của Chương trình quốc gia trình Bộ GTVT và Chính phủ, góp phần xây dựng mục tiêu phát triển hệ thống giao thông công cộng bền vững, thân thiện với môi trường.
Theo bà Hiền, Chương trình quốc gia phát triển phương tiện GTVT, hệ thống GTVT công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện - MT221001 (giai đoạn 2) có mục tiêu dài hạn là phát triển phương tiện GTVT và hệ thống GTVT công cộng thân thiện với môi trường nhằm giảm ô nhiễm môi trường không khí, giảm phát thải khí nhà kính; hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050 và tăng trưởng xanh ngành GTVT.
Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT phát biểu tại hội thảo
Mục tiêu ngắn hạn là xây dựng và trình Bộ GTVT làm cơ sở trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình quốc gia.
Phạm vi nghiên cứu của chương trình được thực hiện trên toàn quốc (63 tỉnh, thành phố), áp dụng với phương tiện GTVT công cộng như xe buýt, taxi, xe khách cố định, xe hợp đồng, du lịch; đoàn tàu đường sắt đô thị; xe đạp công cộng...
Trong đó, phương tiện GTVT công cộng thân thiện với môi trường là các phương tiện sử dụng nhiên liệu không phát thải hoặc giúp giảm phát thải so với nhiên liệu hóa thạch như CNG, LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng), điện, hybrid... hoặc không sử dụng nhiên liệu (phi cơ giới).
* Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ bằng nguồn lực trong nước cùng với hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Việc triển khai cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài, là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng sang phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, trên thế giới năng lượng điện đã được ứng dụng rộng rãi đối với phương tiện giao thông đường bộ. Các nước đang phát triển như Việt Nam, do xuất phát điểm thấp, lộ trình chuyển đổi năng lượng giai đoạn đầu thường chậm hơn khoảng từ 5 đến 10 năm và cần tăng tốc ở giai đoạn sau để bắt kịp mục tiêu phát thải ròng về "0" vào năm 2050.