Chiều ngày 19/7, Tại Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã diễn ra cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cùng lãnh đạo Bộ GTVT, Vụ Đối tác công tư, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT và lãnh đạo UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh để nghe báo cáo về công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng thủ đô. Lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Lê Đỗ Mười - Viện trưởng đã tham dự và đóng góp ý kiến.
Quang cảnh Hội nghị từ điểm cầu Văn phòng UBND TP Hà Nội
Tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 với lộ giới 120m ÷ 135m và có chiều dài 98 km đi qua 03 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn Tedi đã trình 06 phương án đầu tư với tổng mức đầu tư từ 57.000 tỷ đồng đến 154.000 tỷ đồng (cả tuyến đi thấp, tuyến đi cao và giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh). Các đại biểu thảo luận các vấn đề liên quan đến hướng tuyến, phân kỳ đầu tư, phương án vốn xây dựng; Cơ chế, chính sách trong việc huy động vốn, kêu gọi đầu tư (đối với phần đầu tư theo hình thức PPP).... Viện trưởng Lê Đỗ Mười tham gia ý kiến đánh giá về sự phù hợp quy mô, hướng tuyến và thống nhất quan điểm theo phương án 6 do tư vấn đề xuất, trong đó có lưu ý đến quy hoạch đường sắt trên cùng hành lang với đoạn vành đai 4.
Sau nghi nghe đơn vị Tư vấn báo cáo và ý kiến của đại biểu các cơ quan tham dự, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất một số nội dung cơ bản như sau:
(1) Về quan điểm chủ trương triển khai chung: UBND thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh cùng đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ về chuyên môn, kinh nghiệm trong việc hoàn hiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
(2) Về phương án kỹ thuật:
- Thống nhất chiều rộng mặt cắt ngang toàn tuyến là 120m ÷ 135m (đoạn qua bãi sông Đáy thành phố Hà Nội); tổ chức giải phóng mặt bằng 01 lần toàn bộ chiều rộng mặt cắt ngang đường và chiều dài toàn tuyến.
- Đối với đoạn đi qua địa phận thành phố Hà Nội, thống nhất giải pháp đường bộ cao tốc và đường sắt trên cao; Đoạn qua tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh đề nghị theo phương án cao tốc đi trên cao và đoạn qua tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh đề nghị theo phương án cao tốc đi bằng.
(3) Về cơ cấu vốn: Vốn đầu tư hỗn hợp gồm vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và vốn của nhà đầu tư theo phương thức PPP loại Hợp đồng BOT; dự kiến đầu tư hoàn chỉnh toàn bộ tuyến đường cao tốc rên cao (06 làn xe) trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn này.
(4) Về chủ trương đầu tư dự án: Hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án là 01 dự án duy nhất, giải pháp mặt bằng 100% 01 lần và khép kín toàn tuyến, có xác định các hạng mục đầu tư và trách nhiệm đầu tư các hạng mục, có phân kỳ đầu tư, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A quan trọng quốc gia.
Với những nội dung trên, đơn vị Tư vấn Tedi khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để UBND thành phố Hà Nội trình Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/7/2021./.