Hội thảo cuối kì “Nghiên cứu đánh giá việc làm xanh trong ngành GTVT – Tập trung lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ”

Chiều ngày 17/7/2024, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức Hội thảo cuối kì về “Nghiên cứu đánh giá việc làm xanh trong ngành GTVT – Tập chung lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ”. Nghiên cứu với mục đích xác định phương pháp đánh giá việc làm xanh và phân tích xu hướng chuyển dịch việc làm đối với các kịch bản giao thông xanh được giới thiệu trong Đóng góp quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC, 2022), tập trung vào lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ. Hội thảo được tổ chức cùng với sự tham dự của ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ông Nguyễn Hữu Tiến Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, đại diện các cơ quan, tổ chức đến từ các Cục, các Viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các Trường đại học, các Doanh nghiệp vận tải và các Hiệp hội vận tải.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện - Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phát biểu khai mạc hội thảo

Theo Tổ chức Lao Động thế giới (ILO) (2019, 2016, 2015), việc làm xanh là những việc làm thỏa đáng (decent work) góp phần bảo tồn hoặc khôi phục môi trường. Việc làm xanh có thể là những công việc trong các ngành kinh tế truyền thống như chế biến, chế tạo và xây dựng, hoặc trong các ngành kinh tế xanh mới nổi như năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Việc làm xanh cũng phải là việc làm bền vững và giúp: (1) nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nguyên liệu thô; (2) hạn chế phát thải khí nhà kính; (3) giảm thiểu chất thải và ô nhiễm; (4) bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái; và (5) hỗ trợ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu đánh giá việc làm xanh trong ngành giao thông vận tải, tập trung lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ được thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn (1) xem xét và đánh giá các cách tiếp cận vi mô và vĩ mô; các mô hình hiện đang áp dụng ở Việt Nam cũng như trên thế giới như mô hình mô hình đầu vào - đầu ra (I-O), cân bằng tổng thể tính toán được (CGE) hoặc các mô hình kinh tế lượng vĩ mô; đánh giá sơ bộ nguồn số liệu sẵn có ở Việt Nam trên cơ sở đó lựa chọn mô hình để tính toán cụ thể việc làm chuyển dịch, việc làm phát sinh và việc làm mất đi trong bối cảnh thực thi các kịch bản chính sách chuyển đổi xanh của ngành giao thông vận tải. Trên cơ sở đó nhóm nghiên cứu xác định lựa chọn mô hình FRAME là mô hình phù hợp dựa trên nguồn số liệu sẵn có của Việt Nam. Giai đoạn 2 xây dựng mô hình FRAME Việt Nam và tính toán số lượng việc làm phát sinh và việc làm mất đi đối với 10 kịch bản NDC, 2022. Với sự kết hợp phân tích giữa mô hình kinh tế lượng vĩ mô; phương pháp phỏng vấn sâu một số doanh nghiệp sản xuất và vận tải đường bộ để góp phần phân tích xu hướng chuyển dịch các vị trí việc làm.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và MT, Bộ GTVT  phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại cuộc họp ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho rằng để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 15,8 % so với kịch bản BAU trong trường hợp đóng góp không điều kiện và tăng 43,5% khi có hỗ trợ quốc tế nêu trong NDC cập nhật năm 2022 của Việt Nam. Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030; dự kiến ban hành trong năm 2024. Kế hoạch này cũng do Viện Chiến lược và Phát triển GTVT là cơ quan được giao nghiên cứu, tổng hợp để trình Bộ Giao thông vận tải. Trong tiến trình thực hiện Chương trình và Kế hoạch nêu trên, nguồn nhân lực ngành giao thông vận tải cũng cần có sự cập nhật kỹ năng và chuyên môn về quản lý để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Cũng theo ông Patrick Haverman, ngành giao thông vận tải là động năng vô cùng quan trọng của phát triển kinh tế Quốc gia và mang lại rất nhiều lợi ích cho các ngành khác nhau, giúp ta tiếp cận thị trường tạo ra các cơ hội đầu tư cũng như công ăn việc làm xanh đặc biệt Chính sách về chuyển đổi năng lượng và NDC 2022 đưa ra sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố vĩ mô trong đó có việc làm. Trong bối cảnh đó, UNDP Việt Nam hỗ trợ Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ Giao thông vận tải và Tư vấn quốc tế Cambridge Econometrics thực hiện nghiên cứu, đánh giá việc làm xanh trong ngành GTVT, tập trung vào lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ chiếm tới 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn ngành. Nghiên cứu là cơ sở khoa học và thực tiễn, góp phần định hướng các chính sách về đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng nghề cũng như các chính sách về an sinh xã hội trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ.

Kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT gửi lời cám ơn đến Chương trình phiên liên hợp quốc UNDP, tư vấn quốc tế Cambridge Econometrics cùng các tổ chức và đơn vị đã giúp đỡ Viện Chiến lược và Phát triển GTVT hoàn thành nghiên cứu  này. Nghiên cứu này sẽ là cơ hội để tiếp tục mở rộng nghiên cứu sang các chuyên ngành khác như năng lượng, nông nghiệp, xây dựng… để đánh giá xu hướng chuyển đổi việc làm trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đạt mục tiêu net-zero. Viện Chiến lược và phát triển GTVT sẵn sàng hợp tác với các bên quan tâm để kết quả nghiên cứu được nhiều đối tượng thụ hưởng và sử dụng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo