Hội thảo Nghiên cứu đánh giá việc làm xanh trong ngành GTVT – Tập trung lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ

Chiều ngày 26/04/2023, Hội thảo về “Nghiên cứu đánh giá việc làm xanh trong ngành GTVT – Tập trung lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ” do Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức.

Hội thảo được tổ chức cùng với sự tham dự của các đại diện các cơ quan, tổ chức đến từ Bộ GTVT, Tổng Cục Thống Kê, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải và các tổ chức quốc tế.

Hội thảo với sự tham gia của các tổ chức, cơ quan liên quan

Ngành giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc tạo và duy trì động lực phát triển của quốc gia và là đòn bẩy tạo chiến lược cho phát triển kinh tế xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau, từ quốc gia đến địa phương. Theo đó, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải và phát triển dịch vụ logistic được đánh giá là hoạt động đóng góp tích cực cho phục hồi nên kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid. Trong bối cảnh hiện nay, ngành GTVT có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP cũng như tạo ra rất nhiều việc làm cho người lao động.

Ông Đào Xuân Lai – Trưởng Ban Môi trường và Biến đổi khí hậu - UNDP Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

 Hội nghị lần thứ 26 (COP 26), các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 2021, tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ và cam kết giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan toàn cầu so với năm 2020 vào năm 2030. Chính vì vậy, đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2020 đã được cập nhật vào năm 2022. Mức đóng góp cắt giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 lên 15,8% so với kịch bản BAU trong trường hợp đóng góp không điều kiện và tăng 43,5% khi có hỗ trợ quốc tế theo cơ chế mới của Thỏa thuận Paris so với năm 2030. 

Cùng trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt phê duyệt Quyết định 896/QĐ-TTg  về “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”, Quyết định 888/QĐ-TTg về “Phê duyệt đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH” với mục tiêu Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và Quyết định 876/QĐ-TTg về “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí Các-bon và khí Mê tan của ngành giao thông vận tải” với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Do đó chuyển đổi phương thức vận tải và năng lượng ngành GTVT sẽ có vai trò quan trọng góp phần đáp ứng mục tiêu phát thải khí nhà kính trong NDC, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Việc giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong ngành GTVT đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy nền kinh tế xanh và bền vững với môi trường. Sự dịch chuyển này sẽ có tác động trực tiếp đến nhu cầu và cơ cấu việc làm trong ngành GTVT và các lĩnh vực liên quan.

ThS, Phó viện trưởng Nguyễn Thị Phương Hiền phát biểu khai mạc tại Hội thảo

 

Trong bối cảnh đó, UNDP Việt Nam hỗ trợ Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ GTVT và Tư vấn quốc tế Cambridge Econometrics thực hiện nghiên cứu, đánh giá việc làm xanh trong ngành GTVT, tập trung vào lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm i) đánh giá và đo lường tác động của các chính sách xanh và khí hậu được thực hiện trong lĩnh vực GTVT theo trình độ chuyên môn nghiệp vụ và theo giới ii) đánh giá  tiềm năng tạo ra các việc làm xanh, các yêu cầu phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Hội thảo lần này nhằm thực hiện tham vấn về phạm vi đánh giá, phương pháp luận sử dụng, chính sách phát triển giao thông xanh trong NDC và các chính sách giao thông xanh sẽ được cập nhật trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 81/2023/NQ-QH15 để đo lường tác động đến việc làm theo trình độ chuyên môn nghiệp vụ và theo giới. Nghiên cứu dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12 năm 2023 và sau đó có thể mở rộng đánh giá đối với các ngành/lĩnh vực khác.