Chiều ngày 12/05/2023, Viện Chiến lược và phát triển GTVT đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo hỗ trợ kỹ thuật Chương trình quốc gia phát triển GTVT, hệ thống GTVT công cộng thân thiện với môi trường, trong đó có phương tiện giao thông điện. Đây là một trong chuỗi các chương trình thực hiện cam kết của UNDP hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh góp phần thực hiện cam kết tại COP26
Hội thảo đã đón nhận sự tham dự của nhiều cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT, các Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải công cộng cũng như các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội với nhiều ý kiến đóng góp ý nghĩa.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường – UNDP phát biểu khai mạc Hội thảo
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT Phạm Hoài Chung đã có bài giới thiệu tổng quan về xây dựng Chương trình quốc gia phát triển giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường do Viện Chiến lược và phát triển GTVT chủ trì thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg về Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Bên cạnh đó là sự cần thiết thực hiện hỗ trợ kỹ thuật do UNDP tài trợ để bổ sung, hỗ trợ về các nghiên cứu chuyên sâu cho các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế, từ đó làm cơ sở đề xuất các nội dung lồng ghép và hỗ trợ trong quá trình xây dựng Chương trình quốc gia.
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng giới thiệu tổng quan về Dự án
“Phải xuất phát từ nhu cầu của người dân và các doanh nghiệp để xây dựng phương án đầu tư phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường, trong đó có xe điện; kết hợp với các định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước..., từ đó xây dựng các cơ chế chính sách thực hiện sao cho đáp ứng được thực tiễn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý”, ông Chung nói.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung: Hiện trạng, định hướng phát triển GTVT công cộng đường bộ cấp quốc gia và cấp địa phương; Nhận diện cơ hội, thách thức phát triển vận tải công cộng đường bộ thân thiện với môi trường và đề xuất các giải pháp lồng ghép vào chương trình quốc gia; Đánh giá hiện trạng vận tải hành khách công cộng thân thiện môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội và định hướng phát triển theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh ngành GTVT; Các kịch bản phát triển GTVT công cộng đường bộ và đánh giá mức giảm phát thải khí nhà kính cho các kịch bản.
Ông Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng Giao thông đô thị và Nông thôn trình bày tham luận tại Hội thảo
Cũng tại phiên tọa đàm tại Hội thảo, một số vấn đề được quan tâm đã được ban chủ tọa và các khách mời đưa ra bàn luận, trao đổi trên tinh thần khách quan, khoa học, thực tiễn như: Nhận diện, định hình rõ đối tượng năng lượng xanh trong ngành GTVT; Việc phát triển hạ tầng trạm sạc và năng lượng điện cung cấp cho hệ thống trạm sạc đã được tính toán như thế nào?; Kinh nghiệm phát triển của các hãng xe hàng đầu Nhật Bản và bài học cho Việt Nam? Kinh nghiệm về phát triển các mô hình kết nối vận tải hành khách công cộng hiện nay?
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nêu ra những băn khoăn về hiện trạng phát thải khí nhà kính của các loại hình vận tải hành khách công cộng đường bộ theo các loại nhiên liệu sử dụng. Đối với xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cần bổ sung nguồn của các bảng hệ số phát thải của nhóm phương tiện… Về lộ trình, mục tiêu chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện giao thông công cộng, nhiều đại biểu cho rằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc chủ yếu về vốn và chính sách. Cần có chính sách ưu đãi về vốn vay, về lãi suất vay, thời hạn vay với các quy định cụ thể, áp dụng được trong thực tiễn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư phương tiện xe điện.
* Theo Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của GTVT, đã đặt ra lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, mục tiêu đến 2030, các phương tiện sử dụng 100% xăng E5, từng bước hạn chế sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hạ tầng sạc điện đã phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Đến năm 2040, dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch; hạ tầng sạc điện dần hoàn thiện trên phạm vi toàn quốc.
Đến 2050, phương tiện, máy móc, thiết bị 100% sử dụng điện, năng lượng xanh; hạ tầng sạc điện dần hoàn thiện trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Đối với vận tải hành khách công cộng đô thị, lộ trình chuyển đổi đặt ra là đến năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2030, 50% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.