Sáng 04/7/2021, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là quy hoạch thứ tư trong 05 quy hoạch ngành quốc gia về giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GTVT chủ trì thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch báo cáo thông qua Hội đồng thẩm định.
Tham dự họp thẩm định Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có đồng chí Lê Văn Thành (Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng), đồng chí Nguyễn Hồng Hà (Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Văn phòng chính phủ), đồng chí Lê Anh Tuấn (Thứ trưởng Bộ GTVT), lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT, các thành viên Hội đồng thẩm định, liên danh tư vấn Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) và Viện chiến lược và Phát triển GTVT.
Đại biểu tham dự họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch Đường thủy nội địa
Tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT Lê Đỗ Mười đã trình bày báo cáo tóm tắt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đã làm rõ kết quả thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2011-2020, phân tích đánh giá rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó làm cơ sở xây dựng quy hoạch mới thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, quan điểm xây dựng Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên nguyên tắc quán triệt chủ trương của Đảng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; tuân thủ Luật Quy hoạch; kế thừa quan điểm của quy hoạch trước đây, phù hợp tình hình thực tế, đặc thù và lợi thế của lĩnh vực, khắc phục các tồn tại hạn chế 10 năm vừa qua. Trong đó, kết cấu hạ tầng (KCHT) đường thủy nội địa là một bộ phận của KCHT giao thông, đóng vai trò quan trọng trong KCHT kinh tế, xã hội được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần được ưu tiên đầu tư theo hướng từng bước đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Đồng chí Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện chiến lược và Phát triển GTVT trình bày báo cáo
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, vận chuyển hàng hóa đường thủy nội địa đạt 715 triệu tấn/năm, chiếm thị phần khoảng 16,2%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 397 triệu lượt/năm, chiếm thị phần khoảng 3,8%; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 148 tỷ tấn.km/năm, chiếm thị phần khoảng 27,7%; hành khách 7,7 tỷ khách.km/năm, chiếm thị phần 2,0%.
Cải tạo nâng cấp kỹ thuật đồng bộ các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24h; phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật quy hoạch đạt khoảng 5.000 km. Phát triển hệ thống cảng thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải trên các hành lang vận tải thủy; hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng; giải quyết cơ bản kết nối đường bộ với các cảng thủy nội địa chính.
Phát biểu tại cuộc họp, các chuyên gia cao cấp của Hội đồng thẩm định, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ban ngành và các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa,... cơ bản thống nhất và đánh giá cao nội dung Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hồ sơ Quy hoạch được thực hiện công phu, nghiêm túc và đã tiếp thu, chỉnh sửa theo các góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định.
Vụ trưởng vụ KHĐT-Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy và Cục trưởng cục Đường thủy nội địa Bùi Thiên Thu đã thay mặt cơ quan chủ trì báo cáo nhận xét, đánh giá Quy hoạch với Hội đồng thẩm định. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn thay mặt Bộ GTVT cảm ơn những ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn công bố kết quả đánh giá Quy hoạch
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường thủy nội địa và liên danh Tư vấn TEDI, Viện chiến lược và Phát triển GTVT đã tập trung nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch bám sát yêu cầu, đủ điều kiện với 100% ý kiến đồng ý thông qua. Quy hoạch đã đánh giá kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Quy hoạch Đường thủy nội địa, những tồn tại hạn chế, nguyên nhân và trên cơ sở phân tích đó xây dựng quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các vụ, cục và liên danh tư vấn cần tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch sớm trình Chính phủ./.