Họp thẩm định Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Sáng 03/7/2021, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
 
Quy hoạch mạng đường sắt Việt Nam là quy hoạch thứ ba trong 05 quy hoạch ngành quốc gia về giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GTVT chủ trì thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch báo cáo thông qua Hội đồng thẩm định.
 
Tham dự họp thẩm định Quy hoạch mạng đường sắt Việt Nam có đồng chí Lê Văn Thành (Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng), đồng chí Nguyễn Ngọc Đông (Thứ trưởng Bộ GTVT, đại diện cơ quan thường trực của Hội đồng), các thành viên Hội đồng thẩm định, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT và liên danh tư vấn Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển giao thông vận tải (CCTDI) - Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Giao thông vận tải (TRICC) - Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI). 
 
Đại biểu tham dự họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới Đường sắt
 
Tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, TS. Lê Đỗ Mười đã trình bày báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đã làm rõ kết quả thực hiện quy hoạch đường sắt thời kỳ 2011-2020, phân tích đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, từ đó làm cơ sở xây dựng quan điểm, mục tiêu, phương án quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Đồng chí Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện chiến lược và Phát triển GTVT trình bày báo cáo
 
Quan điểm xây dựng Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên nguyên tắc quán triệt văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội lần thứ XII, XIII; tuân thủ Luật Quy hoạch, Luật Đường sắt; kế thừa quan điểm của quy hoạch trước đây, phù hợp tình hình thực tế, đặc thù và lợi thế của lĩnh vực, khắc phục các tồn tại hạn chế 10 năm vừa qua. Trong đó, nhấn mạnh các quan điểm: Đường sắt là một chuyên ngành đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư; phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu vận tải lớn, kết nối các trung tâm kinh tế, đầu mối vận tải, phát huy thế mạnh vận tải khối lượng lớn, cự ly trung bình và dài; khai thác tối đa năng lực mạng đường sắt hiện có; đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ, trung tâm kinh tế lớn. Các quan điểm về huy động nguồn lực, phát triển công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cũng được đề cập gắn với yếu tố đặc thù.
 
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt đạt 11,8 triệu tấn (gấp 2,3 lần so với năm 2019); khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, trong đó đường sắt quốc gia là 21,5 triệu khách (gấp 2,7 lần năm 2019). Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 7,35 tỷ tấn.km, hành khách 13,8 tỷ khách.km.
 
Về kết cấu hạ tầng: Nâng cấp, cải tạo đảm bảo an toàn 07 tuyến đường sắt hiện hữu; triển khai đầu tư 2 đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu; kết nối Tp. Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối cửa khẩu quốc tế chính với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.
 
Về phân bố không gian mạng lưới đường sắt: Mạng lưới đường sắt quốc gia được hoạch định theo các hành lang chính (11/30 hành lang vận tải), trên cơ sở phân bổ nhu cầu vận tải phù hợp ưu thế của từng phương thức, đảm bảo kết nối các đầu mối vận tải giữa các vùng, miền, kết nối mạng đường sắt quốc tế.
 
Vụ trưởng vụ KHĐT-Bộ GTVT đồng chí Nguyễn Danh Huy đã thay mặt cơ quan chủ trì báo cáo nhận xét, đánh giá Quy hoạch với Hội đồng thẩm định. Hồ sơ quy hoạch mạng lưới đường sắt cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và nhiệm vụ quy hoạch được duyệt. Ý kiến tham gia của các thành viên Hội đồng thẩm định đã cơ bản được tiếp thu, giải trình trong hồ sơ; một số ý kiến cần có nghiên cứu chi tiết hơn so với yêu cầu của quy hoạch ngành quốc gia sẽ được tiếp tục thực hiện trong quá trình triển khai lập quy hoạch chi tiết (quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành).
 
Tham gia thảo luận, các chuyên gia phản biện, nguyên thứ trưởng Bộ GTVT GS.TS Lã Ngọc Khuê, đại diện tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo một số hiệp hội, Bộ ngành và các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, ... cơ bản chia sẻ và thống nhất với nội dung Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Thay mặt Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cảm ơn những ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu tham dự cuộc họp và khẳng định Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến của Hội đồng. Đối với một số ý kiến có yêu cầu cụ thể hơn, chi tiết hơn về phương án quy hoạch tuyến đường sắt, Bộ sẽ làm rõ trong các quy hoạch chi tiết và trong bước lập dự án đầu tư.
 
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sản phẩm quy hoạch cũng như các ý kiến góp ý, xây dựng trong hội nghị. Kết quả đánh giá với 100% ý kiến đồng ý thông qua Quy hoạch.
 
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị chức năng và liên danh tư vấn tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch sớm trình Chính phủ./