Kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

 Miền Tây Nam Bộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với hơn 340 km đường biên giới với Campuchia, các cửa khẩu quốc tế và quốc nội đã hình thành mối liên kết thuận lợi giữa Vùng với thị trường Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Đây cũng là khu vực duy nhất của cả nước tiếp giáp Biển Đông và Biển Tây với bờ biển dài 750 km (chiếm 23% chiều dài bờ biển quốc gia); hơn 360.000 km2 vùng biển và đặc quyền kinh tế, có gần 200 đảo và quần đảo, đặc biệt là đảo Phú Quốc lớn nhất Việt Nam; gần tuyến hàng hải và hàng không quốc tế giữa Nam Á, Đông Nam Á, châu Úc và các quần thể khác trong Thái Bình Dương, một vị trí rất quan trọng trong giao lưu quốc tế.

Toàn vùng có 13 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long. Với tổng số diện tích đất tự nhiên khoảng 40.605 km2 (chiếm 12% diện tích cả nước), dân số khoảng 17,7 triệu người[1], chiếm 18,8% % dân số cả nước.

Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối giữa các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mạng giao thông quốc gia, quốc tế và tăng cường kết nối đa phương thức nhằm giảm chi phí vận tải và logisitcs góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn Vùng, ngày 13/11/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 12832/BGTVT-KHĐT giao nhiệm vụ Tổng Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải lập Đề án Kết nối mạng giao thông vùng Tây Nam Bộ.

Về kết nối đa phương thức vận tải, Đề án tập trung nghiên cứu giải pháp kết nối các phương thức vận tải với vận tải đường thủy nội địa là thế mạnh truyền thống và bền vững của vùng, bao gồm kết nối đường thủy nội địa với đường bộ: tập trung giải quyết nút thắt về hạ tầng kết nối bao gồm các tuyến đường bộ kết nối trực tiếp mạng giao thông quốc gia với cảng thủy nội địa đảm bảo quy mô, chất lượng phục vụ hoạt động vận tải hàng hóa; Kết nối đường thủy nội địa với đường biển: ưu tiên giải quyết nút thắt về hệ thống trang thiết bị xếp dỡ không đồng bộ tại các cảng thủy nội địa với vai trò là bến vệ tinh, thu gom hàng hóa cho cảng biển. Kết nối đường bộ với cảng biển: ưu tiên đầu tư các đoạn tuyến đường sau cảng đảm bảo cấp kỹ thuật, đồng bộ kết nối thuận lợi với mạng giao thông quốc gia trong vùng.

Về kết nối hệ thống đường bộ, hoạt động kết nối quốc tế chủ yếu dựa vào các tuyến quốc lộ có cửa khẩu quốc tế, bao gồm: quốc lộ 62 kết nối cửa khẩu Bình Hiệp; quốc lộ 30 kết nối cửa khẩu Dinh Bà; quốc lộ 91C, 91 kết nối cửa khẩu Tịnh Biên; quốc lộ 80 kết nối cửa khẩu Hà Tiên. Đối với kết nối nội vùng chủ yếu thông qua các tuyến đường bộ và đường thủy của vùng. Trong đó, xương sống là các trục kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ (06 trục dọc đường bộ và 06 tuyến đường thủy nội địa), hệ thống đường tỉnh liên kết với hệ thống giao thông đối ngoại của Vùng.

Kết nối đường bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Về kết nối đường thủy nội địa, hoạt động kết nối liên vùng dựa trên cơ sở duy trì khai thác ổn định 06 tuyến chính: Tuyến Sài Gòn – Hà Tiên; Tuyến Sài Gòn – Kiên Lương; Tuyến Sài Gòn – Kiên Lương; Tuyến Sài Gòn – Cà Mau; Tuyến duyên hải Sài Gòn – Cà Mau; Tuyến vận tải ven biển từ TP Hồ Chí Minh đến Kiên Giang. Kết nối quốc tế với Campuchia thông qua 02 tuyến chính là sông Tiền và sông Hậu qua  02 cặp cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) và Vĩnh Xương (An Giang). 

Kết nối đường thủy nội địa vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Về hàng hải, hoạt động kết nối thông qua cảng biển Cần Thơ theo các tuyến vận tải biển cự ly ngắn và trung bình kết nối trực tiếp với các nước trong khu vực và thế giới.

TS.Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Phát triển Giao thông đô thị và nông thôn.


[1] Niên giám thông kê năm 2017