Kết nối mạng giao thông khu vực Đông Nam Bộ

Vùng Đông Nam Bộ có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là trung tâm kinh tế và cửa ngõ chiến lược trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của nước ta. Phía Tây Bắc giáp với nước bạn Campuchia, phía Nam- Tây Nam giáp với Đồng bằng sông Cửu Long, phía Đông-Đông Nam giáp với biển Đông, phía Bắc và Đông Bắc giáp Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.

Toàn vùng có 06 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Với tổng số diện tích đất tự nhiên khoảng 23.552 km2, dân số khoảng 16.739,6 triệu người[1], chiếm 17,87% dân số cả nước, mật độ trung bình khoảng 711 người/km2.

Đây là khu vực có hoạt động kinh tế phát triển sôi động vào bậc nhất của cả nước. Năm 2017, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của vùng đạt gần 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 10,96% so với năm 2016, chiếm khoảng 34% GDP cả nước. GDP bình quân đầu người năm 2016 đạt 55,9 triệu đồng/năm tương đương 2.432 USD, cao hơn mức bình quân cả nước là 37,2 triệu đồng/năm, tương đương 1.620 USD.

Vùng Đông Nam Bộ là trung tâm kinh tế, hội nhập quốc tế và trung tâm công nghiệp lớn nhất của Việt Nam với mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp, tập trung ở tứ giác kinh tế trọng điểm, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò hạt nhân phát triển của khu vực, là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng nhất của nước ta.

Với yêu cầu phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của khu vực tương xứng với vai trò đầu tàu phát triển của nền kinh tế, ngày 13/11/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 12832/BGTVT-KHĐT giao nhiệm vụ Tổng Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải lập Đề án Kết nối mạng giao thông vùng Đông Nam Bộ.

Mục tiêu của Đề án hướng tới nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng cường kết nối giữa hệ thống giao thông của vùng Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông cả nước và quốc tế. Phát huy hiệu quả các công trình, dự án kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư, đặc biệt là các dự án có tính chất động lực, tác động lan tỏa của khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

Mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ

Về vận tải Đề án tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm kéo giảm chi phí vận tải. Đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn, tiện lợi; phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistic; kiềm chế tiến tới giảm sự gia tăng tai nạn giao thông và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong khai thác vận tải.

Về kết cấu hạ tầng giao thông Đề án tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm khai thác triệt để năng lực kết cấu hạ tầng hiện có; chú trọng công tác bảo trì; tập trung đầu tư đồng bộ các công trình quan trọng bức thiết có vai trò động lực phát triển kinh tế; chú trọng phát triển giao thông địa phương; tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông tăng khả năng liên kết vùng, liên kết giữa các phương thức vận tải. Nghiên cứu giải pháp đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ, cao tốc kết nối các trung tâm động lực kinh tế trong vùng; kết nối với các cảng biển, cảng đường thủy nội địa, sân bay quốc tế Long Thành; kết nối các tỉnh trong vùng; kết nối liên vùng; kết nối đối ngoại; kết nối quốc tế; khép kín các tuyến vành đai 2, 3, 4 và cải tạo các tuyến quốc lộ hướng tâm TP. Hồ Chí Minh.

ThS Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích Cơ sở dữ liệu an toàn giao thông.

 .