Kết nối mạng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Một trong những nhân tố đột phá then chốt để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là thiết lập những cơ chế, chính sách hợp lý nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bao gồm cơ cấu ngành, cơ cấu thành phần kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế trọng điểm. Hiện nước ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (7 tỉnh), Trung bộ (5 tỉnh), Nam bộ (8 tình) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (4 tỉnh), chiếm 27,3% diện tích tự nhiên, 27% dân số nhưng đóng góp lên tới 89% GDP của cả nước. Trong quá trình hình thành và phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm đang phát huy lợi thế, tạo nên thế mạnh của mình theo cơ cấu kinh tế mở, gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, và không chỉ tạo ra động lực thúc đẩy sự chuyển dịch nhanh cơ cấu nền kinh tế theo chiều hướng tích cực mà còn góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh lân cận trong vùng.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, thành: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang. vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đây là vùng có vai trò và vị thế quan trọng đối với nền kinh tế - xã hội của cả nước. Việc tập trung phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với tốc độ cao và bền vững.

Mạng lưới giao thông khu vực

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn lực của quốc gia để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm của vùng. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của khu vực vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, khu vực này còn tồn tại nhiều điểm nghẽn về kết nối đường bộ, sân bay, cảng biển, đường thủy nội địa, … cần sớm được tháo gỡ. Việc tăng cường kết nối nội vùng và liên vùng với đồng bằng sông Cửu Long là đòn bẩy tạo động lực phát triển kinh tế cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cần tập trung nghiên cứu giải quyết nút thắt về hạ tầng kết nối bao gồm các tuyến đường bộ kết nối trực tiếp mạng giao thông quốc gia; Tập trung nghiên cứu đối với kết nối liên vùng thông qua khu vực TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ với 06 trục dọc liên kết là tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ; tuyến N2 từ Chơn Thành đến Rạch Sỏi; tuyến QL1 từ TP. Hồ Chí Minh - Năm Căn; tuyến duyên hải ven biển phía Đông gồm 02 quốc lộ (QL50, QL60) và cầu Đại Ngãi;  tuyến N1 từ Đức Huệ tới Kiên Giang; tuyến đường bộ ven biển từ TP. HCM tới Kiên Giang; tuyến trục động lực TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang.

Tập trung nghiên cứu khai thác triệt để năng lực kết cấu hạ tầng hiện có; tăng khả năng liên kết vùng, liên kết giữa các phương thức vận tải; tập trung đầu tư đồng bộ các công trình giao thông quan trọng bức thiết có vai trò động lực phát triển kinh tế; chú trọng phát triển giao thông địa phương. Ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ, cao tốc kết nối các trung tâm động lực kinh tế trong vùng; kết nối với các cảng biển, cảng đường thủy nội địa, sân bay quốc tế Long Thành; kết nối các tỉnh trong vùng; kết nối liên vùng; kết nối đối ngoại; kết nối quốc tế. Khép kín các tuyến vành đai 2, 3, 4, cải tạo các tuyến quốc lộ hướng tâm TP. HCM và đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt theo quy hoạch.

Về kết nối đa phương thức vận tải cần tập trung nghiên cứu giải pháp kết nối các phương thức vận tải với vận tải đường thủy nội địa, bao gồm kết nối đường thủy nội địa với đường bộ, với cảng thủy nội địa đảm bảo quy mô, chất lượng phục vụ hoạt động vận tải hàng hóa (đặc biệt là vận tải container); Kết nối đường thủy nội địa với đường biển: ưu tiên giải quyết nút thắt về hệ thống trang thiết bị xếp dỡ không đồng bộ tại các cảng thủy nội địa với vai trò là bến vệ tinh, thu gom hàng hóa cho cảng biển (đặc biệt là thiết bị xếp dỡ container); Kết nối đường bộ với cảng biển: ưu tiên đầu tư các đoạn tuyến đường sau cảng đảm bảo cấp kỹ thuật, đồng bộ kết nối thuận lợi với mạng giao thông quốc gia trong vùng.

ThS. Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích CSDL ATGT.