Bộ GTVT cho biết, khí thải từ xe cơ giới, mà chủ yếu là mô tô, xe gắn máy đang là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong đô thị.
Tại dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Hơn 50% xe không đạt chuẩn khí thải.
Việc kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp chủ xe tiết kiệm được số tiền đáng kể nhờ giảm tiêu hao nhiên liệu. Ảnh: Tạ Hải.
Bộ GTVT cho biết, khí thải từ xe cơ giới, mà chủ yếu là mô tô, xe gắn máy đang là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong đô thị. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 lại chưa quy định kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện này.
Dẫn chứng từ kết quả dự án nghiên cứu thực trạng phát thải của xe máy đang lưu hành hướng tới kiểm soát khí thải, góp phần cải thiện môi trường không khí, Bộ GTVT cho biết, nếu người sử dụng mô tô, xe gắn máy thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, có thể giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe 7%.
Con số này tương đương với lượng nhiên liệu tiết kiệm được là 170.632 đồng/năm (tính theo giá xăng tháng 11/2018), trong khi mất khoảng 110.000 đồng/xe để bảo dưỡng và thay thế phụ tùng cho phần khí thải (lọc gió).
Cũng theo tính toán, chi phí kiểm định mỗi xe khoảng 35.000 đồng/lần/năm. Như vậy, nếu thực hiện kiểm soát khí thải, người dân vẫn tiết kiệm được 25.632 đồng/xe/năm.
Kết quả chương trình đo kiểm khí thải hơn 5,2 nghìn mô tô, xe gắn máy cũ (có tuổi đời trên 5 năm) đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội do UBND TP phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) thực hiện trong giai đoạn từ tháng 11/2021 đến hết năm 2022 cũng cho thấy, tỷ lệ xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải ở mức 1 là 54,2% và không đạt mức 2 là 60,65%.
Tuy nhiên, sau khi bảo dưỡng, tỷ lệ này giảm mạnh xuống chỉ còn 9,54% xe không đạt mức 1, ngoài ra lượng nhiên liệu tiêu thụ có thể giảm đến 7%.
Theo khảo sát, một xe máy di chuyển quãng đường trung bình 16,7km/ngày, tương đương với 6.095km/năm, tiêu thụ nhiên liệu trung bình 0,0236 lít/km. Nếu thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo, mức tiêu thụ nhiên liệu bình quân của mỗi xe tiết kiệm được 10,07 lít/năm.
Nếu tính trên toàn TP Hà Nội với hơn 6,1 triệu xe máy, lượng nhiên liệu hàng năm tiết kiệm được là gần 62 triệu lít và tổng chi phí nhiên liệu tiết kiệm ước tính hơn 1,8 nghìn tỷ đồng.
Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy còn giúp giảm 35,55% tổng lượng CO, 40% tổng lượng HC phát thải, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, thực hiện khảo sát 3.867 người dân tại Hà Nội cho thấy đa số ủng hộ quy định này để bảo vệ chất lượng không khí. Họ cũng đề xuất mức phí kiểm tra khí thải từ 30-50 nghìn đồng/lần, tần suất đo 1 lần/năm.
Cần lộ trình phù hợp.
Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy không làm phát sinh chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Tạ Hải.
Chia sẻ với PV, chị Trần Thị Huyền (trú tại quận Nam Từ Liêm) cho biết, nếu xe không đạt kiểm định, chị sẵn sàng sửa chữa, bảo dưỡng để đảm bảo chất lượng xe, giảm ô nhiễm môi trường. “Mức phí kiểm định 35.000 đồng/lần cũng hợp lý vì chỉ tương đương bát phở”, chị Huyền nói.
Ủng hộ việc đưa quy định kiểm soát khí thải đối với xe máy đang sử dụng vào dự án Luật Đường bộ, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc này không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải phù hợp.
Tuy nhiên, ông Thủy cho rằng cần có cách thức thực hiện để hạn chế tối đa phiền phức cho người dân, tính toán xem phương tiện nào cần kiểm định, phương tiện nào không.
Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị không bắt buộc toàn bộ xe máy đang lưu hành phải thực hiện kiểm định mà chỉ nên áp dụng đối với xe cũ nát, có thời gian sử dụng lâu, nhả khói đen trên đường.
“Với những phương tiện dù bảo dưỡng vẫn không đạt, hướng xử lý sẽ thế nào? Nếu vẫn cố tình lưu thông, chế tài xử lý ra sao? Vấn đề này cần tính toán kỹ”, ông Tạo nói và đề xuất thực hiện thí điểm để đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng rãi.
Xây dựng quy chuẩn trạm kiểm soát khí thải
Tại dự thảo luật, Bộ GTVT đề xuất, việc kiểm tra khí thải xe máy được thực hiện tại các trạm kiểm soát khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa xây dựng quy chuẩn cho các trạm kiểm định xe máy.
Lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT cho biết, nếu Luật Đường bộ được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để xây dựng quy chuẩn này.
Về lộ trình thực hiện, vị này cho biết, cũng giống như việc bắt đầu triển khai kiểm định ô tô vào năm 2005, việc kiểm soát khí thải xe máy cần thực hiện thí điểm tại một số thành phố lớn, từ đó xây dựng các khung pháp lý hoàn chỉnh bao gồm quy chuẩn trạm; phân loại đối tượng phải thực hiện đo kiểm; quy định về nguồn nhân lực…
“Với trạm kiểm soát khí thải xe máy, cũng giống như ô tô, có thể xây dựng theo hình thức xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, thậm chí nếu các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng mô tô, xe gắn máy đạt yêu cầu về trạm, nhân lực cũng có thể tham gia thực hiện. Trước khi đo kiểm, chủ xe có thể bảo dưỡng hoặc nếu đo kiểm không đạt cũng có thể được sửa chữa, khắc phục tại chỗ”, vị này chia sẻ thêm.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN, hiện quy định trên mới là đề xuất đưa vào Luật Đường bộ, còn khi triển khai sẽ theo hướng đơn giản nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các trạm kiểm soát có thể được xã hội hóa, hoặc cũng có thể tích hợp với trạm kiểm định ô tô, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe máy.
* Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) kiến nghị việc quản lý khí thải xe máy nên thực hiện bằng hình thức dán tem, đồng thời xây dựng các hình thức xử lý vi phạm.
Vị đại diện VAMM chia sẻ, khi hợp tác với TP Hà Nội thực hiện thí điểm kiểm soát khí thải xe máy cho người dân, mức phí đầu tư cho 1 trạm kiểm định khí thải trong 1 năm khoảng hơn 354,3 triệu đồng, thời gian kiểm định trung bình cho một xe khoảng 10 phút, mỗi ngày một trạm kiểm định khoảng 10 xe/1 giờ, mỗi ngày khoảng 80 xe (nếu xe vào trạm liên tục), năng suất của trạm sẽ đạt khoảng 12.000 xe/năm.
Tuy nhiên, thực tế quá trình kiểm định khí thải tại các trạm sẽ không diễn ra liên tục. Do đó, để các trạm có thể thu hồi vốn đầu tư một năm, mức phí kiểm định phải dao động từ 37.500 - 50.000 đồng.
Nguồn: Báo giao thông