Mai Linh lên kế hoạch thay toàn bộ đội xe hiện tại bằng xe chạy điện

Vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh – hãng taxi lớn nhất Việt Nam – đã ký kết một bản ghi nhớ với Công ty Auto Motors Việt Nam – nhà nhập khẩu chính thức Renault tại Việt Nam nhằm triển khai đưa ô tô điện của Renault vào Việt Nam.

Theo thông cáo báo chí mà cả Mai Linh và Renault cùng đưa ra sau sự kiện, Mai Linh dự kiến sẽ nhập về từ 10.000 đến 20.000 chiếc xe điện trong thời hạn 5 năm tới. Các giải pháp lắp ráp nội địa cũng có thể được cân nhắc trong giai đoạn này.

Tất nhiên, để thực hiện được dự án, cần có sự hỗ trợ từ các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và Chính phủ Pháp

Dự án tham vọng

Việc Mai Linh tuyên bố sẽ nhập về từ 10.000 đến 20.000 xe ô tô điện Renault trong thời gian ngắn như trên có thể được coi là thông tin bất ngờ. Vì tại đại hội cổ đông đầu năm nay, lãnh đạo tập đoàn vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục mua thêm xe chạy xăng để mở rộng thị phần.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh, thì cho rằng dự án ô tô điện không phải là mới. Ngay từ năm 2005, Mai Linh đã đi tìm hiểu về ô tô điện tại các thị trường Trung Quốc, Pháp, Mỹ… “Chúng tôi đã nghiên cứu dự án này hàng chục năm nay và bây giờ là thời điểm đơm hoa, kết quả. Mục tiêu là làm sao giảm được ô nhiễm môi trường trong các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM” – ông Huy nói.

Mai Linh dự kiến sẽ nhập về từ 10.000 đến 20.000 chiếc xe điện trong thời hạn 5 năm tới

Thời điểm “đơm hoa” mà ông Huy đề cập đến ở đây chính là khi 195 quốc gia vừa ký kết thỏa thuận lịch sử về chống biến đổi khí hậu tại sự kiện COP21 diễn ra ở Paris. Tại sự kiện đó, Việt Nam cũng đưa ra cam kết giảm 8% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, thậm chí có thể lên tới 25% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Ngay trong quý I/2016, 100 chiếc xe ô tô điện đầu tiên sẽ được Mai Linh nhập về chạy thử nghiệm ở 3 thành phố là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Nếu nhận được sự chấp thuận của Nhà nước, ông Hồ Huy còn cam kết rút ngắn thời gian nhập 20.000 xe trong 3 năm, thay thế toàn bộ 14.000 xe taxi Mai Linh hiện tại trên 53 tỉnh, thành của cả nước.

Ông Huy đánh giá đây là một trong những dự án tham vọng nhất của tập đoàn kể từ ngày đầu thành lập.  Có lẽ đây thực sự là một dự án tham vọng, không chỉ với Mai Linh mà với cả Renault. Được cho là hãng sản xuất xe ô tô điện lớn nhất toàn cầu, nhưng số lượng xe mà Renault bán ra từ trước đến nay trên khắp thế giới mới chỉ đạt hơn 73.400 xe. Lý do gì khiến xe ô tô điện nói chung và ô tô điện của Renault nói riêng vẫn chưa được sử dụng nhiều trên thế giới thì cần phải tìm hiểu thêm.

Giảm chi phí

Để mua 14.000 xe điện thay thế đội xe hiện tại, Mai Linh cần khoảng 400 triệu euro

Có thể việc bảo vệ môi trường cũng là một phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như Mai Linh muốn hướng tới. Nhưng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, lợi nhuận luôn là ưu tiên hàng đầu, nhất là khi Mai Linh lại không phải là một doanh nghiệp xã hội.

Xét về khía cạnh này, có thể thấy quyết định thay thế toàn bộ đội xe hiện tại bằng các ô tô điện của Renault là một nước cờ táo bạo của Mai Linh, nhằm giảm chi phí hoạt động và nâng cao khả năng cạnh tranh trước áp lực ngày càng lớn trên thị trường taxi.

Cách đây 3 năm, do đầu tư dàn trải và một số vấn đề về quản trị, Tập đoàn Mai Linh rơi vào tình trạng lỗ nặng, mất khả năng thanh toán các khoản nợ cho ngân hàng và các nhà đầu tư. Tình cảnh bi đát khiến Mai Linh phải bán bớt một phần tài sản là bất động sản, các trạm dừng chân và một số xe taxi cũ để trả nợ.

Sau khi thực hiện tái cơ cấu, Mai Linh đã có lãi, dù vẫn còn ít. Báo cáo tài chính năm 2014 của Mai Linh cho thấy, doanh thu thuần của riêng Mai Linh đạt 950,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3,99 tỷ đồng.

Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, hãng taxi lớn nhất Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ kinh doanh dịch vụ taxi – nhưng không sở hữu chiếc xe nào – là Uber và Grab Taxi. Sự xuất hiện của Uber và Grab Taxi đã khiến cho nhiều hãng taxi truyền thống mất đi khá nhiều lợi nhuận.

Bản thân lợi nhuận của Tập đoàn Mai Linh năm 2014 cũng đã giảm 12,8% so với năm 2013. Cho dù giá nhiên liệu hiện tại đang rẻ, nhưng các hãng taxi truyền thống cũng khó lòng cạnh tranh được với Uber và Grab Taxi, do có nhiều xe ô tô cá nhân cũng đăng ký tham gia vào dịch vụ này mà không phải chịu bất kỳ một khoản phí nào và cũng không nộp thuế cho Nhà nước.

Với những chiếc xe ô tô điện Renault, mọi chuyện có thể sẽ dễ thở hơn. Một chiếc xe  ô tô điện của Renault có giá mua vào khoảng 400 triệu đồng, tương đương với một chiếc ô tô taxi hiện tại nhưng chi phí vận hành rất thấp.

Cụ thể, 100 km chạy bằng điện chỉ tốn 1 euro, tương đương 24.000 đồng. Điều này giúp Mai Linh giảm được 30% cước vận tải, cũng có nghĩa là giá cước taxi Mai Linh hiện tại nếu chạy bằng xe chạy điện sẽ giảm từ 12.000 đồng xuống còn 8.000 đồng cho mỗi km.

“Nó là một thông điệp tốt cho người tiêu dùng” - ông Huy nói. Đây mới là điều cốt lõi, bởi lẽ người tiêu dùng ở Việt Nam chưa chú ý nhiều đến việc bảo vệ môi trường hay không, cái họ chú ý đến chỉ là giá rẻ – lý do chính khiến nhiều người chuyển sang dùng dịch vụ Uber và Grab Taxi.

Những nút thắt cần gỡ

Có một vấn đề mà Mai Linh sẽ phải xử lý, đó là nguồn năng lượng cho xe ô tô điện. Mai Linh không phải là hãng taxi đầu tiên sử dụng nhiên liệu sạch ở Việt Nam. Từ năm 2003, hãng taxi Dầu khí đã đưa những chiếc xe chạy nhiên liệu “lai” (có thể chạy cả xăng và gas) vào hoạt động tại Hà Nội và TP HCM.

Về chi phí, ô tô chạy gas rẻ hơn xăng, và cũng thải ra ít khí thải gây ô nhiễm môi trường hơn. Nhưng cho đến bây giờ, lượng xe này gần như không còn xuất hiện. Lý do là có quá ít điểm nạp gas, khiến hầu hết lái xe vẫn phải sử dụng nhiên liệu xăng.

Tương tự, những điểm nạp điện cho ô tô cũng chưa phổ biến ở Việt Nam. Nếu nạp đầy pin, một chiếc xe ô tô Renault sẽ chạy được 200 km; muốn chạy xa hơn, xe phải dừng lại để sạc điện.

Để giải quyết vấn đề này, mỗi chiếc xe Mai Linh nhập về phải mua kèm theo một bộ pin sạc đi kèm. Ông Huy cho biết mỗi bộ pin dự phòng đó cần 30 phút để sạc và sẽ đi thêm được 100 km nữa.

Có một câu hỏi là Mai Linh lấy đâu ra tiền để mua một lúc tới từ 10.000 – 20.000 xe ô tô điện Renault trong vòng 5 năm tới? Dù tập đoàn này đã tái cơ cấu và có lãi trở lại, tổng nợ của Mai Linh vẫn gấp 4,48 lần vốn chủ sở hữu.

Theo con số mà ông Huy ước tính, số tiền đầu tư mua 14.000 xe điện để thay thế đội xe hiện tại khoảng 400 triệu euro; chưa kể chi phí xây dựng nhà xưởng bảo dưỡng là 100 triệu euro nữa. Đây là số tiền không nhỏ với một hãng taxi đang ngập trong nợ nần như Mai Linh và có lẽ cũng vượt quá khả năng tài trợ của một ngân hàng trong nước.

“Ngân hàng Thế giới sẽ là đơn vị tài trợ vốn. Nếu dự án tốt thì Ngân hàng Thế giới sẽ tài trợ 99%” - ông Huy tỏ ra hy vọng. Đó cũng là câu trả lời của ông cho câu hỏi có mạo hiểm khi đầu tư vào xe điện không.

Điều phải chờ đợi hiện nay là chính sách của Nhà nước cho dự án chưa có tiền lệ ở Việt Nam này.

Thuận lợi và thách thức khi sử dụng xe chạy điện

Thuận lợi

1.Giảm được giá cước

2. Gây được thiện cảm với người tiêu dùng

Thách thức

1. Phát triển hệ thống điểm nạp điện cho xe

2. Chi phí đầu tư ban đầu lớn

Nguồn: tinmoitruong.vn