Nhận thức được tác động của hoạt động giao thông vận tải đến môi trường sống, nhiều địa phương tăng cường kiểm soát khí thải độc hại.
Người dân hai trung tâm đô thị lớn là Hà Nội và HCM thường xuyên phải chịu khói bụi, kẹt xe.
Hạn chế phát thải từ giao thông vận tải
UBND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch từ nay đến 2030, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các trạm quan trắc ở mức tốt, đạt trên 90%, tiến tới xóa bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh; triển khai kiểm soát phát thải khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông, gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc thực hiện.
Tỉnh này sẽ đẩy nhanh phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; Tăng cường quản lý chất lượng phương tiện giao thông, kiểm soát khí thải từ các phương tiện cơ giới...
Còn ở Hà Nội, Sở GTVT cũng đề xuất xây dựng khung pháp lý và ban hành kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy. Thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố hơn 7,6 triệu phương tiện lưu hành, tỷ trọng xe máy chiếm đến 90% với khoảng 6,5 triệu chiếc, một nửa là xe máy cũ, sản xuất trước năm 2000.
Theo dự kiến của Hà Nội, từ năm 2026, kế hoạch này sẽ được thực thi toàn phần. Những xe đã sử dụng từ 3-5 năm trở lên phải kiểm định khí thải định kỳ, đồng thời hạn chế các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải tại khu vực đã phân vùng.
Tại khu vực phía Nam, UBND tỉnh Hậu Giang đã có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng; Sở GTVT tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình...).
Kiểm soát khí thải xe máy
Theo thống kê, giai đoạn 2005-2022, tăng trưởng xe máy đạt bình quân khoảng 9,1%/năm. Đến nay, số lượng xe máy đã đăng ký trên toàn quốc đạt khoảng 69,2 triệu xe và số xe lưu hành đạt khoảng 45,5 triệu xe.
Xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính của người dân, tuy nhiên nó cũng đang gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường - Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, xe máy chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65,4% NMVOC; 37,7% nguồn phát thải bụi; 31% nguồn phát thải bụi siêu mịn.
Việc kiểm soát khí thải từ xe máy được nhiều địa phương đưa vào kế hoạch hành động. TP.HCM là địa phương tiên phong thí điểm kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy.
Xe máy chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65,4% NMVOC;
37,7% nguồn phát thải bụi; 31% nguồn phát thải bụi siêu mịn.
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, xe máy có lượng phát thải vượt tiêu chuẩn hiện hành. Trong trường hợp TP không thực hiện kiểm soát khí thải xe máy, hằng năm lượng khí thải gia tăng thêm từ loại hình phương tiện này với CO là 68.479 tấn/năm, tương ứng với mức gia tăng là 15,88%/năm; Với HC là 4.475 tấn/năm tương ứng mức gia tăng là 12,85%/năm.
Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an cũng nhận định xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải kiểm định về khí thải; Việc kiểm định được thực hiện tại các trạm kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.
Đề xuất trên được đánh giá là hoàn toàn mới so với quy định hiện hành, khi việc kiểm định khí thải chỉ áp dụng với ô tô. Nếu được thông qua, chính sách này sẽ có phạm vi tác động rất lớn, bởi đối tượng chịu điều chỉnh là hàng chục triệu xe máy tại Việt Nam.
Ths Đinh Trọng Khang (Viện Khoa học công nghệ GTVT) cho biết kết quả nghiên cứu trong quá trình đo kiểm khí thải xe máy cho thấy nếu người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe (7%).
Nguồn: Báo giao thông.