Phát triển mạng lưới giao thông khu vực Miền Trung và Tây Nguyên

Dải đất Miền Trung – Tây Nguyên được bao bọc bởi những dãy núi chạy dọc bờ phía Tây và sườn bờ biển phía Đông. Phía Bắc giáp khu vực Đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc; phía Nam giáp các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu vùng Nam Bộ; phía Đông giáp Biển Đông; phía Tây giáp 2 nước Lào và Campuchia. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có đoạn có chiều ngang theo hướng Đông - Tây hẹp nhất Việt Nam (khoảng 50 km). Toàn khu vực có 19 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó Bắc Trung Bộ có 6 tỉnh, Nam Trung bộ có 8 tỉnh và thành phố, Tây Nguyên có 5 tỉnh. Với tổng số diện tích đất liền khoảng 150.380,2 km2, dân số khoảng 25,703 triệu người[1], mật độ trung bình khoảng 171 người/km2.

Nhận thức được tầm quan trọng của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, ngày 14/11/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 12952/BGTVT-KHĐT giao nhiệm vụ Tổng Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải lập Đề án Kết nối mạng giao thông vùng Miền Trung - Tây Nguyên. Nội dung chính của Đề án tập trung nghiên cứu các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm mục tiêu sớm hoàn chỉnh và hiện đại hóa hết cấu hạ tầng giao thông của khu vực. Tập trung nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch, tháo gỡ các điểm nghẽn trong kết nối giao thông, kết hợp xây dựng mới một số công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Kết nối đồng bộ giữa các phương thức vận tải trong khu vực; đặc biệt kết nối cảng biển, các khu công nghiệp, cửa khẩu, trung tâm chính trị, kinh tế vùng; xây dựng lộ trình, thứ tự ưu tiên, phương án và hình thức đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.

Đối với đường bộ Đề án nghiên cứu giải pháp nhằm khai thác hiệu quả và nâng cao đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong các tuyến quốc lộ huyết mạch như các tuyến quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua tây Nguyên, các tuyến kết nối dọc theo hướng Bắc Nam, các tuyến kết nối Đông – Tây. Triển khai xây dựng mới một số tuyến như các đoạn tuyến cao tốc, các tuyến ven biển, tuyến tránh khu vực đô thị, tuyến kết nối, cải tạo và khôi phục các tuyến đã xuống cấp, chất lượng xấu.

Đối với đường sắt, Đề án nghiên cứu giải pháp nâng cấp để khai thác có hiệu quả hệ thống đường sắt hiện hữu. Nghiên cứu tuyến đường sắt nhánh kết nối khu công nghiệp, cảng biển và đường sắt tốc độ cao Bắc Nam theo quy hoạch 

Đối với đường thủy nội địa, Đề án nghiên cứu giải pháp cải tạo luồng tuyến, tập trung khai thác tuyến đường thủy hiện có trên sông lớn có khả năng khai thác vận tải như sông Mã, sông Lam, sông Gianh, sông Hàn, sông Hương, sông Dinh, sông Cổ Cò.

Đối với đường biển, Đề án nghiên cứu giải pháp tăng cường khả năng kết nối giữa các cảng biển (Dung Quất, Sa Kỳ, Lý Sơn, Tiên Sa, Liên Chiểu…) với các phương thức vận tải khác, đảm bảo cho các tàu có trọng tải lớn tiếp cận. 

Đối với đường hàng không, Đề án nghiên cứu giải pháp nâng cấp, cải tạo các cảng hàng không quốc tế và nội địa, mở mới các đường bay thẳng đến các thị trường trong nước và quốc tế.   

Đối với đường hệ thống cảng cạn Đề án nghiên cứu giải pháp phát triển hệ thống cảng cạn quy mô 20-30 ha, khả năng thông qua khoảng 550.000 TEU/năm.

Ths. Vũ Hoàng Giang. Trưởng phòng Định mức kinh tế kỹ thuật -Thể chế.


[1] Niên giám thông kê năm 2017