Hội nghị điều phối quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 diễn ra tại Gia Lai đặt quy hoạch GTVT làm động lực phát triển khu vực.
Toàn cảnh Hội nghị điều phối quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên
Chiều 30/11, tại tỉnh Gia Lai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị điều phối quy hoạch vùng Tây Nguyên. Đây là lần thứ 2, Bộ này tổ chức hội nghị nhằm xem xét, góp ý quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Cần thay đổi cục diện Tây Nguyên
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, cho biết: Ý nghĩa quan trọng của hội nghị trong việc tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn" phát triển của vùng cũng như đề ra các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, hướng đến mục tiêu phát triển: Xanh - Hài hoà - Bền vững.
Ngoài ra, phát triển vùng Tây Nguyên theo mô hình "3 cực - 3 tiểu vùng - 5 hành lang" và tập trung thúc đẩy hình thành các trung tâm kinh tế tổng hợp, chuyên ngành của vùng cần ưu tiên bố trí, ổn định các điểm dân cư của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với tập quán và phương thức sản xuất mới.
Quy hoạch vùng hướng tới mục tiêu kết nối đồng bộ từ hạ tầng số đến hạ tầng giao thông tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên phát biểu. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên
Đáng chú ý, khu vực Tây Nguyên còn kết nối với các vùng khác, trong đó có kết nối với Nam Lào và Campuchia. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển ở tương lai.
Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đi sát với điều kiện thực tế của các tỉnh Tây Nguyên, tạo ra các cơ chế, chính sách để hình thành động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên
Lấy giao thông làm động lực phát triển vùng
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh. Vùng nằm trong khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, có thể kết nối với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Cămpuchia, nối với Thái Lan, Myanmar qua các hành lang Đông - Tây.
Đáng chú ý, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng kết nối các đô thị là cực tăng trưởng của vùng gồm: TP Kon Tum, TP Pleiku - TP Buôn Ma Thuột.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng, vùng Tây Nguyên kết nối với các vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung cũng như vùng Đông Nam Bộ thông qua các tuyến đường quan trọng như: quốc lộ 14, 19, 20, 24, 25, 26, 27, 28.
Tuy nhiên, vị trí địa lý của vùng ít thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế do nằm xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, xa các cảng biển là các đầu mối giao thông lớn, ít thuận lợi để xây dựng và phát triển giao thông vận tải bằng đường bộ, đường hàng không và dự kiến nghiên cứu thêm về đường sắt. Vì thế, cần làm rõ thêm về nguồn lực từ mạng lưới giao thông để có cơ sở hiện thực hóa trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương, liên vùng kinh tế.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết thêm, hiện nay, Gia Lai và Kon Tum có quy hoạch hai dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh và tuyến Quãng Ngãi - Kon Tum. Trong đó, đối với dự án Pleiku - Quy Nhơn dự tính đầu tư tới 40.000 tỷ đồng.
"Quy hoạch vùng Tây Nguyên có ý nghĩa quan trọng trong việc chủ động kiến tạo phát triển và tăng cường liên kết vùng, trong đó lấy giao thông là đòn bẩy phát triển kinh tế".
Giao thông đồng bộ là nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên
Theo dự thảo quy hoạch đến năm 2050, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn, không gian sinh thái, giàu bản sắc văn hóa. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Kết cấu hạ tầng Tây Nguyên được kết nối đồng bộ trong đó hạ tầng số, hạ tầng giao thông là các nền tảng quan trọng thúc đẩy mảnh đất này kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh, bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển.
Để cụ thể hơn về hạ tầng số, hạ tầng giao thông, tại hội nghị, các lãnh đạo tỉnh đã góp ý đề xuất lập quy hoạch vùng xem xét bổ sung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.
Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình lớn về hạ tầng giao thông, đảm bảo thông suốt, nối liền với sân bay, cảng biển, các trung tâm sản xuất, đô thị lớn và các vùng phụ cận.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm điều chỉnh Quyết định 326/QĐ-TTg về việc phân bổ chỉ tiêu đất, nhất là đất giao thông phù hợp với nhu cầu thực tế phát triển của địa phương, nhu cầu thực hiện các chương trình, dự án…
Tại hội nghị, các đại biểu và địa phương cho rằng Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nguồn: Báo giao thông