Quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn, số người chết vì TNGT giảm sâu

Năm qua, việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn được thực hiện quyết liệt, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông liên quan rượu bia. Số người chết vì tai nạn nhờ đó cũng giảm rất sâu.

Cần có cách làm mới để tiếp tục kéo giảm TNGT

Sáng 9/1, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang đề nghị, qua báo cáo về công tác bảo đảm TTATGT năm 2023, các cơ quan, đơn vị cần rút ra kinh nghiệm và hiến kế thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong năm 2024.

Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị.

"Cần thống nhất, có cách làm mới để công tác triển khai được hiệu quả, sao cho năm 2024, tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm hơn nữa", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, tính từ ngày 15/12/2022 đến 14/12/2023, toàn quốc xảy ra hơn 22.000 vụ TNGT, làm chết hơn 11.600 người, bị thương gần 15.300 người.

So với cùng kỳ năm 2022, giảm 1.285 vụ, giảm 1.922 người chết, tăng 660 người bị thương.

Thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2023 là "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn", ngành công an đã ra quân thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Năm qua đã xử lý hơn 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23,04% tổng số vi phạm), trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ công chức, viên chức, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang.

Điều đó đã góp phần kéo giảm số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn, đặc biệt là trong các dịp cao điểm nghỉ lễ, Tết.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia báo cáo tại Hội nghị.

Xảy ra 34 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan thường trực về ATGT của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam là 1 trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn 2011-2020.

Theo tính toán của WHO, tỷ lệ số người tử vong trên của Việt Nam đã giảm từ 25,4 người/100.000 dân vào năm 2010 xuống còn 17,7 người/100.000 dân vào năm 2021 (giảm 43,5%).

Năm 2023, có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó 11 địa phương giảm trên 20% số người chết, gồm: Thừa Thiên - Huế, Lai Châu, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bến Tre, Điện Biên, riêng Thừa Thiên - Huế giảm trên 30%.

Tuy nhiên, vẫn còn 28 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 12 tỉnh tăng trên 30% là: Hưng Yên, Lạng Sơn, KonTum, Trà Vinh, Sơn La, Nam Định, Long An, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Tây Ninh.

Trong số này, có 6 tỉnh có số người chết tăng trên 80% trở lên là Long An, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Tây Ninh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hùng cho biết, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Vẫn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (34 vụ), làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Điển hình tại Quảng Nam xảy ra 4 vụ làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết; tại Nghệ An xảy ra 1 vụ làm 3 người chết và 1 người bị thương; tại Hòa Bình xảy ra 1 vụ làm chết 3 người và 1 người bị thương; vụ TNGT tại Điện Biên làm 4 người chết, 1 người bị thương...

TNGT đường sắt tăng 1 tiêu chí (số người chết) và TNGT đường thủy tăng 2 tiêu chí (số vụ và số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2022. Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời.

Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố; Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM có xu hướng tăng; Hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về TTATGT cũng gia tăng.

Nguyên nhân là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém.

Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các lực lượng chức năng.

Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về TTATGT ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm TTATGT có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm TTATGT còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì các tuyến đường bộ, khắc phục điểm đen về TNGT, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT dành cho các đoàn thể, chính trị xã hội.

Nguồn: baogiaothong.vn