Triển khai xây dựng Chương trình quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện.

Thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/20116 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Viện Chiến lược và Phát triển GTVT sẽ triển khai xây dựng Chương trình quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện trong giai đoạn 2022-2023.
 
Vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay là thách thức toàn cầu. Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Trong đó một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí tại các đô thị là bụi và khí thải do hoạt động của các loại hình phương tiện giao thông (trong đó phương tiện giao thông đường bộ với 4,1 triệu ô tô và gần 58 triệu xe máy là một trong các tác nhân chính). 
 
Ô nhiễm môi trường do hoạt động của phương tiện giao thông vận tải tại đô thị
 
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng phương tiện vận tải cá nhân (ô tô con, xe máy) và nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch (xăng, diesel) đã góp phần làm gia tăng các hệ lụy đến chất lượng môi trường không khí. Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính năm 2014 (Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2018), tổng lượng phát thải KNK tại Việt Nam là 321.505,71 nghìn tấn CO2 tương đương (không bao gồm lĩnh vực LULUCF); trong đó giao thông vận tải phát thải ở mức 33.235 nghìn tấn và dự báo đến năm 2030 sẽ tăng 2,7 lần, đạt mức 89.119 nghìn tấn (trong đó ngành đường bộ chiếm 83% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2030).
 
Ô nhiễm môi trường của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
 
Hiện nay, xu hướng chung của các quốc gia phát triển (Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha,...) là đẩy mạnh việc hạn chế tiến tới cấm các phương tiện giao thông sử dụng xăng và dầu diesel trong đô thị tới năm 2025, tiến tới mở rộng trên toàn quốc thời kỳ 2030-2040. Bên cạnh đó là ưu tiên phát triển, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường (ô tô sử dụng nhiên liệu LPG, CNG, ô tô điện, ô tô hybrid - HEV, PHEV, BEV, FCEV,...), sử dụng hệ thống vận tải công cộng thân thiện môi trường (xe buýt điện, đường sắt đô thị,...) cũng như phương tiện giao thông phi cơ giới (xe đạp, đi bộ). Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới. Trong những năm qua dưới sự quan tâm của Chính phủ trong việc khuyến khích sử dụng phương tiện thân thiện môi trường thì đến nay trên toàn quốc có khoảng 450 xe chạy bằng khí LPG và khoảng 3.100 xe chạy bằng CNG, các hãng sản xuất ô tô đã bắt đầu giới thiệu các mẫu xe hybrid phổ thông (Corolla Cross của Toyota), xe điện (VF31, 32, 33 - SUV) và xe buýt điện của Vinfast. Những hiệu quả về mức độ giảm phát thải và thân thiện môi trường là dễ dàng được quan sát và kiểm chứng tuy nhiên thực tế là hiện nay các phương tiện này chưa phổ biến và đã xuất hiện những khó khăn trong quá trình hoạt động về hạ tầng điểm nạp nhiên liệu, về chi phí đầu tư ban đầu, bảo dưỡng, sửa chữa,...
 
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg về Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và Quyết định 985a/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó đã giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT khẩn trương xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống GTVT công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện. Viện Chiến lược và phát triển GTVT đã chủ trì đề xuất và được phê duyệt kết quả tuyển chọn nhiệm vụ “Xây dựng chương trình quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện” tại Quyết định số 1095/QĐ-BGTVT ngày 17/06/2021.
 
Mục tiêu ngắn hạn của nhiệm vụ là xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện. Bên cạnh đó, mục tiêu dài hạn là tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm phát thải khí nhà kính do hoạt động của phương tiện giao thông vận tải và hệ thống giao thông vận tải công cộng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Góp phần phát triển giao thông vận tải bền vững và tăng trưởng xanh ngành GTVT.
 
Dự kiến nhiệm vụ được Viện Chiến lược và phát triển GTVT triển khai thực hiện trong 02 năm (2022-2023) với 03 hợp phần chính gồm: (1) Tổng điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng trên toàn quốc; (2) Kinh nghiệm phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường trên thế giới và dự báo xu thế phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng tại Việt Nam; (3) Xây dựng chương trình quốc gia phát triển phương tiện GTVT, hệ thống GTVT công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện.
 
Trong quá trình thực hiện, Viện Chiến lược và phát triển GTVT dự kiến phối hợp nghiên cứu với các chuyên gia của JICA và GIZ trong khuôn khổ các nội dung thành phần của dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam” (SPI-NDC) do JICA tài trợ và dự án “Hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải thực hiện NDC Việt Nam trong khuôn khổ dự án Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á” do GIZ tài trợ./.
Trung tâm Phát triển Giao thông đô thị và nông thôn.