Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải làm việc với Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam

Sáng ngày 05/6/2024, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đã có buổi tiếp và làm việc với việc đại diện Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) và Trung tâm hỗ trợ sống độc lập Hà Nội.

Ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT chủ trì buổi tiếp và làm việc, tham dự buổi làm việc còn có Trưởng, Phó các đơn vị thuộc Viện.

Đoàn công tác của Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam do ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực làm trưởng đoàn, bà Nguyễn Thị Hải, Phó Chánh văn phòng Liên hiệp Hội, Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Hỗ trợ sống độc lập Hà Nội, Bà Nguyễn Bích Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm và các thành viên khác.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Khuất Việt Hùng cho biết trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đối tượng là người khuyết tật (NKT), điều này thể hiện qua nhiều chính sách của Nhà nước để hỗ trợ, giúp nâng cao đời sống của NKT như Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác người khuyết tật.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai chương trình giao thông tiếp cận đối với NKT như thực Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 (Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 08/5/2012), ban hành các tiêu chí về kết cấu hạ tầng và phương tiện giao thông được tuân thủ theo các quy chuẩn kỹ thuật đã có như Quy chuẩn QCVN 43:2012/BGTVT tại Thông tư số 48/2012/ TT-BGTVT ngày 15/11/2012 về trạm dừng nghỉ đường bộ; Quy chuẩn QCVN 82:2019/BGTVT ngày 01/8/2019 về ô tô khách thành phố để NKT tiếp cận sử dụng... Gần nhất, năm 2023 nhằm góp phần thưc hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng nghiên cứu xây dựng Bộ Tiêu chí giao thông tiếp cận phố quát lĩnh vực đường bộ trong khuôn khổ dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho NKT giai đoạn II”. Đến nay một số tỉnh/thành phố đã được triển khai mô hình giao thông tiếp cận trên cơ sở tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát. Kết quả, mô hình giao thông tiếp cận một mặt cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông tiếp cận (nhà chờ buýt tiếp cận) và phương tiện tiếp cận (xe buýt tiếp cận). Mặt khác, các mô hình này đã được lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển giao thông tiếp cận phổ quát tại các địa phương cũng như phát triển các dịch vụ hỗ trợ NKT.

Mặc dù, khung hành lang pháp lý để triển khai đầu tư các công trình có các hệ thống giao thông tiếp cận đã khá đầy đủ, các địa phương cũng đã nỗ lực triển khai nhưng chưa có tính đồng bộ, chưa đạt được kế hoạch và mục tiêu đã được đề ra trong các chính sách đã ban hành. Một trong những nguyên nhân là kết cấu hạ tầng và phương tiện giao thông hiện chưa đồng bộ, chưa đảm bảo tiếp cận, các chính sách về giao thông tiếp cận chưa được quy định, hướng dẫn thực hiện cụ thể, thậm chí là cả nhận thức chung của cộng đồng về giao thông tiếp cận cho NKT. Chính vì vậy, vẫn còn nhiều khoảng trống và thách thức đòi hỏi các cấp, các ngành cần có sự điều chỉnh và phối hợp đồng bộ để sớm xây dựng hạ tầng giao thông văn minh, hiện đại và thân thiện với NKT.

Thay mặt Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực cho hay nước ta hiện có khoảng 7 triệu NKT, chiếm 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Số NKT còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động, vì vậy nhu cầu tham gia giao thông của NKT là rất lớn. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Giao thông vận tải đã ban hành và thực hiện nhiều văn bản quy định pháp luật hỗ trợ việc tiếp cận giao thông đối với NKT. Cụ thể, NKT đang được hưởng chính sách miễn, giảm từ 25% đến 100% giá vé khi tham gia giao thông công cộng đường bộ, 30% giá vé đi tàu hỏa. Năm 2023, có 142,964 lượt người khuyết tật được miễn giảm giá vé giao thông đường bộ và 5,108 lượt hành khách khuyết tật được giảm giá vé tàu. Nhân viên tại các ga đường sắt trên cao, tuyến BRT tại Hà Nội, hãng xe Vinbus được tập huấn kỹ năng hỗ trợ hành khách khuyết tật rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế NKT vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia giao thông. Nhiều điểm chờ xe buýt, vỉa hè chưa có đường dốc cho xe lăn, biển chỉ dẫn bằng âm thanh thông báo cho NKT; tại các nút giao thông còn thiếu nút bấm sang đường dành cho người khuyết tật, hoặc nơi có nút bấm này lại để quá cao đối với người đi xe lăn; tại các sân bay, hầu như chưa có biển chỉ dẫn dành cho NKT nghe nói; các hãng hàng không yêu cầu người khuyết tật ký giấy miễn trừ trách nhiệm khi có yêu cầu hỗ trợ đặc biệt; có sự chênh lệch về độ cao giữa sàn tầu điện trên cao với sân ga, gây nguy hiểm cho người khuyết tật khi lên tàu..…

Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại đối với người khuyết tật trong khi tham gia giao thông, đại diện của người khuyết tật đã đưa ra 09 đề xuất tới Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng, trong đó nhấn mạnh Nhà nước và các tổ chức của người khuyết tật cần giám sát chặt chẽ việc thực thi chính sách trong lĩnh vực giao thông đối với người khuyết tật nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người khuyết tật khi tham gia giao thông.

Ông Khuất Việt Hùng, đã tiếp nhận những kiến nghị của VFD và cũng đề nghị VFD tổ chức các đợt khảo sát về giao thông đối với người khuyết tật ở các địa phương, bên cạnh đó cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật, Viện sẽ trợ giúp VFD về mặt kỹ thuật.

Hai bên đã trao đổi các giải pháp đảm bảo quyền của NKT, trên cơ sở đó, Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam sẽ đề xuất với Chính phủ, Bộ GTVT ban hành các quy định, chính sách, chương trình trợ giúp đối với NKT nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của NKT khi tham gia giao thông và thực hiện Luật Người khuyết tật, Chỉ thị số 39-CT/TW Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật./.

Hai bên chụp ảnh lưu niệm