Ngày 17/02/2023, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đã chủ trì tổ chức Hội thảo Tham vấn về cơ chế chính sách giao thông tiếp cận phục vụ xây dựng Hướng dẫn giao thông tiếp cận phổ quát.
Tham dự Hội thảo có các đại diện từ các cơ quan, tổ chức liên quan và các chuyên gia từ: Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Vụ Vận tải – Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam, Liên hiệp hội NKT Việt Nam, Trường Đại học Giao thông vận tải, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng ACDC, Viện nghiên cứu quy hoạch và phát triển đô thị - Bộ Xây dựng và một số tổ chức người khuyết tật Hà Nội…
TS. Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT phát biểu khai mạc Hội thảo
Điều hành Hội thảo là TS. Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng. Hội thảo đã tiến hành với 03 chuyên đề tham luận đề dẫn và nhiều ý kiến tham gia phát biểu trao đổi, góp ý đến từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức tham gia.
Hệ thống Giao thông tiếp cận phổ quát được đánh giá là hệ thống giao thông văn minh, lịch sự, an toàn, thuận lợi và đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của tất cả thành viên trong xã hội, gồm cả người khuyết tật, người cao tuổi, người khó khăn trong việc vận động của cơ thể. Hiện nay, các địa phương trên cả nước đã ban hành kế hoạch triển khai Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030, cùng với đó Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định 365/QĐ-BGTVT ngày 11/03/2021 triển khai Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 theo đó để hoàn thành được mục tiêu đề ra trong hoạt động đầu tư xây dựng, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông để người khuyết tật tiếp cận sử dụng cần được triển khai đồng bộ và có lộ trình, giải pháp cụ thể.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tham luận về Chính sách dịch vụ giao thông tiếp cận; Đề xuất nhóm tiêu chí về chính sách dịch vụ giao thông tiếp cận và Phương án đề xuất lựa chọn ban hành Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát; Kinh nghiệm thế giới về chính sách liên quan đến người khuyết tật. Tham dự Hội thảo còn có Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) - cơ quan phối hợp nghiên cứu cũng có các ý kiến tham gia tham luận tại Hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất ý kiến các tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát cần thiết sớm ban hành nhằm nâng cao chất lượng giao thông tiếp cận tại địa phương và cải thiện các khó khăn khi tham gia giao thông của người khuyết tật, giúp người khuyết tật trong hòa nhập cộng đồng.
Với Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát trong lĩnh vực giao thông đường bộ được giới thiệu trong hội thảo là tài liệu tham khảo cung cấp các chỉ tiêu đánh giá mức độ tiếp cận hệ thống giao thông đường bộ với 3 yếu tố chính là tiếp cận kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp cận phương tiện giao thông và tiếp cận chính sách - dịch vụ giao thông sẽ giúp cho các địa phương đánh giá được mức độ, khả năng tiếp cận của hệ thống giao thông tại địa phương, từ đó có những kế hoạch nâng cấp cải tạo hệ thống giao thông tiếp cận phổ quát.
Các chuyên gia tham dự thảo luận chia sẻ ý kiến tại hội thảo
Kết luận Hội thảo sau phiên trao đổi thảo luận, TS. Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng đã kết luận để nâng cao khả năng tiếp cận giao thông đối với người khuyết tật tại địa phương, bộ tiêu chí khả thi và nhanh chóng đưa vào thực tiễn, đề nghị Nhóm nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu ý kiến và hoàn thiện nghiên cứu Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát trong Quí I/2023, trình các cơ quan chức năng phê duyệt trong Quý III/2023.