1. Sự ra đời của Ngày Pháp luật Việt Nam
Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Xuất phát từ vai trò của pháp luật, ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946 - Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với những giá trị về tư tưởng pháp quyền, quyền lực thuộc về Nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thực tiễn triển khai mô hình “Ngày Pháp luật”, kết hợp với tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã quy định ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, Pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn Pháp luật cho mọi người trong xã hội. Cụ thể hóa nội dung này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam.
2. Mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam
- Thượng tôn Hiến pháp và Pháp luật: Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, Pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống.
- Xây dựng niềm tin, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật: Tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch; ghi nhận, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho mỗi cá nhân và hài hòa lợi ích trong xã hội. Qua việc tôn vinh Hiến pháp, Pháp luật, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.
Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ cương, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng nếp sống văn hoá. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Pháp luật chỉ có thể điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp hành một cách tự nguyện, thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi người. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật; động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh.
- Hướng tới xây dựng Văn hóa pháp lý trong toàn xã hội
Văn hóa pháp lý được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, cá nhân và xã hội. Để hình thành Văn hóa pháp lý cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Ngày Pháp luật Việt Nam góp phần xây dựng lối sống theo pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người.
3. Viện Chiến lược và Phát triển GTVT tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
Đảng ủy, lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (gọi tắt là Viện) luôn xác định phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Do đó, việc hưởng ứng, triển khai thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Viện duy trì thực hiện. Nội dung, hình thức tổ chức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn như: (1) Tự nghiên cứu sách, báo, tài liệu tại thư viện của Viện; (2) Tổng hợp tin, bài, thông báo các văn bản, chính sách mới trên Trang tin điện tử Viện; sao in, cấp phát tài liệu, sách, tuyên truyền; (3) Lồng ghép với sinh hoạt của các chi bộ tập trung học tập, quán triệt các chuyên đề Nghị quyết Đại hội đảng các cấp; thông báo chính trị, thông qua các buổi sinh hoạt thường xuyên và chương trình, hành động, phong trào thi đua của các tổ chức quần chúng; phổ biến, quán triệt thông qua các cuộc họp giao ban, giao nhiệm vụ; (4) Tuyên truyền, cổ động trực quan về “Ngày Pháp luật” qua Trang tin điện tử của Viện.
Sau 10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện tích cực hưởng ứng, triển khai nghiêm túc, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần xây dựng lối sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật.
- Về khẩu hiệu tuyên truyền
Để bám sát nội dung Ngày Pháp luật năm 2023, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT chủ động lựa chọn khẩu hiệu phổ biến giáo dục pháp luật về Ngày pháp luật là: “Sống và làm việc theo pháp luật là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
- Về nội dung, hình thức, thời gian thực hiện
(1) Về nội dung:
Quán triệt, phổ biến sâu rộng nội dung chính sách trong các văn bản pháp luật, các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; các quy định mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế; các chính sách, nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; những vấn đề dư luận, xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, trọng tâm là các lĩnh vực: Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cải cách hành chính; bảo vệ môi trường; đất đai; xử lý vi phạm hành chính... Kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.
(2) Về hình thức:
Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (viết tin, bài, phổ biến các văn bản, chính sách mới….) trên Trang tin điện tử của Viện.
(3) Về thời gian thực hiện:
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, trong đó tập trung vào 02 tháng (tháng 10; tháng 11/2023) thực hiện cao điểm trong tuần lễ từ ngày 01/11/2023 đến ngày 09/11/2023.
Năm 2023 là năm thứ 11 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, nhằm khẳng định, làm sâu sắc thêm mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội. Với tinh thần đó, việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện tích cực hưởng ứng, triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị; thiết thực đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, Pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong đời sống xã hội.