Chiều ngày 29/7/2022, tại Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải diễn ra buổi Hội thảo kỹ thuật lần 1 “Xây dựng hướng dẫn nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát” triển khai thực hiện Quyết định 325/QĐ-BGTVT ngày 11/3/2021 về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 với sự phối hợp của Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng, đồng chí Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng chủ trì buổi hội thảo.
Tham dự buổi Hội thảo còn có đại diện của các đơn vị liên quan: Vụ vận tải, Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Đại học Giao thông vận tải Hà Nội (UTC), Hội người khuyết tật Hà Nội (DP Hà Nội), Viện Nghiên cứu Phát triển cộng đồng (ACDC), Tổng công ty vận tải Hà Nội (TRANSERCO), Trung tâm quản lý và điều hành Giao thông đô thị Hà Nội (TRAMOC) và một số đơn vị khác.
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng chủ trì buổi hội thảo kỹ thuật
Giao thông tiếp cận là hệ thống giao thông văn minh, lịch sự, an toàn, thuận lợi và đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của tất cả thành viên trong xã hội, gồm cả người khuyết tật, người cao tuổi, người khó khăn trong việc vận động của cơ thể đã và đang được áp dụng trên nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam giao thông tiếp cận đã được đề xuất trong Luật Người Khuyết tật và đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm cụ thể: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 tại Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5/8/2012, đặc biệt Quốc hội đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại Nghị quyết số 84/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Thủ tướng chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật tại Quyết định 1100/QĐ-TTg ngày 21/6/2016.
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều chính sách nhằm bảo đảm quyền tham gia giao thông của người khuyết tật, đặc biệt là quy định về tiếp cận giao thông phổ quát như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 82:2019/BGTVT về Ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận sử dụng kể từ 9/2019, Quyết định số 365/QĐ-BGTVT ngày 11/3/2021 về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên hiện nay hoạt động đầu tư xây dựng, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông để người khuyết tật dễ dàng tiếp cận triển khai trong thực tế còn chưa được đồng bộ, và đạt được các mục tiêu đề ra tại các kết hoạch đề ra của Thủ tướng Chính phủ. Phần nào để khắc phục vấn đề này cần thiết nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát.
Việc nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát là một trong những nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải tại Quyết định số 365/QĐ-BGTVT ngày 11/3/2021 về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 của Bộ.
Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đã được Bộ Giao thông vận tải giao thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giao thông vận tải nhằm tăng cường năng lực của hệ thống giao thông tiếp cận phổ quát - ATS” thuộc Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT của Chính phủ Australia. Nay, Viện tiếp tục xây dựng “Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát”.
Một số nội dung chính của Bộ tiêu chí như sau: Bộ tiêu chí đánh giá giao thông tiếp cận phổ quát được đề xuất bao gồm 3 nhóm tiêu chí chính là:
(1) Nhóm tiêu chí về kết cấu hạ tầng giao thông
(2) Nhóm tiêu chí về phương tiện giao thông
(3) Nhóm tiêu chí về cơ chế chính sách - Dịch vụ giao thông
Tuy nhiên, để bộ tiêu chí được đi vào thực tiễn đời sống thì cần sự góp sức của nhiều Ban, Ngành cũng như các địa phương tăng cường các giải pháp, xây dựng kế hoạch thực hiện theo đúng các quy định pháp luật nhà nước đã ban hành
Mục đích của Hội thảo kỹ thuật lần này là xin ý kiến góp ý các chỉ tiêu, các nhóm tiêu chí và các yếu tố ảnh hưởng để hoàn thiện Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận. Buổi Hội thảo đã diễn ra thành công và tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, sát với thực tiễn quản lý, khai thác của các đơn vị tham dự. Sau buổi Hội thảo đồng chí Phạm Hoài Chung kết luận, nhóm chuyên gia tham gia chuẩn bị nội dung Bộ tiêu chí cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, tiếp tục hoàn thiện để tiến hành các buổi hội thảo, xin ý kiến tiếp theo để Bộ tiêu chí khi được ban hành, phổ biến phải đảm bảo chất lượng cao nhất.
Dưới đây là một số hình ảnh buổi Hội thảo kỹ thuật lần 1
Đại biểu Tramoc phát biểu ý kiến
Đại biểu trường Đại học GTVT phát biểu ý kiến
Đại diện nhóm Chuyên gia trình bày Bộ tiêu chí tại Hội thảo
Đại diện Hội NKT Hà Nội góp ý tại Hội thảo
Đại diện doanh nghiệp Buýt Bảo Yến (Hà Nội) tham gia góp ý tại Hội thảo